14:43 | 12/09/2018

Người giữ gìn những di sản văn hóa truyền thống dân tộc Thái

(LV) - Nghệ nhân Ưu tú Lương Thị Đại là người dành trọn niềm đam mê cuộc đời mình để sưu tầm chữ Thái cổ và những di sản văn hóa của người Thái ở Điện Biên. Bà là 1 trong 8 nghệ nhân đầu tiên của tỉnh Điện Biên được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2015.

 >>> Người giữ hồn nhạc cụ tre truyền thống Ê Đê

Nặng lòng với vốn quý của dân tộc

Sinh sống tại đội 21, xã Noong Luống, huyện Điện Biên, là người con dân tộc Thái, bà Lương Thị Đại (sinh năm 1945) luôn tâm niệm phải dành trọn cả cuộc đời để giữ gìn vốn quý và lưu truyền những giá trị làm nên cốt cách, tâm hồn của dân tộc mình.

18 tuổi, bà bắt đầu công việc mà bà không nghĩ sẽ gắn bó trọn cuộc đời mình tại phòng Sưu tầm văn hóa của Ty Văn hóa Lai Châu cũ. Bà được gửi gắm làm công việc này vì nhiệt huyết của tuổi trẻ và nhất là vì bà có vốn tiếng Thái cổ cùng niềm đam mê và hiểu biết về những di sản văn hóa của dân tộc mình mà bà được cha mẹ, ông bà truyền dạy.

 

Bà nhớ lại: “Những ngày đầu tiếp cận với công việc, tôi mày mò học hỏi và bắt đầu đi khắp các bản làng để tìm hiểu, sưu tầm di sản văn hóa của người Thái. Phải lặn lội vào các bản làng xa xôi, đường xá đi lại khó khăn, chủ yếu là những lối mòn, có khi phải đi bộ 2 - 3 ngày mới đến, phải ăn chực nằm chờ cả tháng trời để được tiếp cận những văn bản Thái cổ. Nắng nóng hay mưa gió, rét mướt và cả đói là chuyện thường gặp và không ít lần, đôi chân tôi rớm máu. Chế độ hỗ trợ cho cán bộ đi làm công tác sưu tầm như tôi không có, đồng lương cũng rất thấp...”.

Những khó khăn vất vả không làm nản lòng. Nhờ những chuyến đi như thế, bà có thêm nhiều kiến thức về văn hóa của người Thái. Thời đó, việc sưu tầm của bà chỉ làm thủ công nên khó khăn vất vả bội phần. Bà tham gia tất cả các lễ hội của đồng bào, gặp gỡ với các nghệ nhân, thầy cúng… ghi nhớ và chép lại những gì bà thu nhận được. Đặc biệt, bà rất chú tâm sưu tầm các văn bản, văn tự Thái cổ. Bà cho biết: “Chữ Thái cổ chính là chìa khóa để mở những cánh cửa, những vốn quý văn hóa của tổ tiên người Thái để lại. Nhờ người Thái có chữ, nên chúng ta có được rất nhiều tư liệu quý của cha ông để lại. Nếu mình không gìn giữ, không đi thu thập để giữ lại cho con cháu mai sau thì sẽ mất hết”.

Hàng nghìn trang ghi chép về các lễ hội cổ truyền, các phong tục tập quán, những di sản văn hóa phi vật thể và đặc biệt là những văn bản chữ cổ quý báu của thế hệ cha ông người Thái để lại. Đây là kho tư liệu vô cùng quý giá mà bà dày công thu thập, sưu tầm.

Giữ gìn để phát huy cho thế hệ sau

Năm 1988, bà được Nhà nước cho nghỉ chế độ, nhưng với bà, đây không phải mốc nghỉ ngơi mà là một khởi đầu mới cho những đam mê tiếp tục được khơi dậy… Bà chia sẻ: Khi đến thăm tôi, thầy của tôi là GS.TS. Tô Ngọc Thanh và ông Đinh Sanh, nguyên Trưởng phòng Văn hóa nghiệp vụ đã động viên tôi tiếp tục những công việc mà tôi đã gắn bó 20 năm qua. Thầy Thanh đã nhắc nhở: “Cô ngủ quá nhiều rồi, thức tỉnh dậy đi, làm những công việc mà bố mẹ và các thế hệ cha ông đã tạo dựng, kỳ vọng ở thế hệ đi sau trong đó có cháu sẽ kế tiếp và phát huy nó”.

 

Nghệ nhân Lương Thị Đại nghiên cứu, biên dịch tư liệu tiếng Thái cổ
Nghệ nhân Lương Thị Đại nghiên cứu, biên dịch tư liệu tiếng Thái cổ . Ảnh: Phan Tuấn Anh

Những lời căn dặn đã nhắc nhở bà và bà lại bắt tay vào công việc đã gắn bó suốt tuổi thanh xuân. Bà tập hợp, phân loại và văn bản hóa những ghi chép cũng như xuất bản 14 đầu sách với hàng ngàn trang viết về phong tục tập quán và tác phẩm văn học cổ dân tộc Thái nổi tiếng trong dự án “Công bố và phổ biến tài sản văn hóa - văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam” của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam do Chính phủ phê duyệt. Nhiều công trình nghiên cứu, dịch thuật của bà dựa trên cơ sở những bản gốc cổ của ông nội bà, một thầy mo có tiếng, đã gìn giữ qua hàng trăm năm và truyền lại cho bà trước lúc mất.

Những đóng góp của bà cho ngành văn hóa của Điện Biên nói riêng, Việt Nam nói chung là không hề nhỏ. Nhiều tư liệu văn bản gốc bằng tiếng Thái cổ nếu không được bà sưu tầm, lưu giữ thì đã thất lạc, bị mục nát theo thời gian vì chủ yếu viết trên giấy dó. Những tư liệu gốc này được bà cặm cụi dịch sang tiếng Thái đen, tiếng Thái thống nhất và chữ quốc ngữ. Những chữ mờ, bà mày mò, khôi phục văn bản bằng cách kết nối các từ với nhau bởi một chữ Thái cổ phải đọc thành ba tiếng, liền với chữ thứ hai và ghép thành cả câu có nghĩa thì mới hiểu được. Bà hiểu những tư liệu quý giá này được giữ gìn, giải mã đã giúp bà và các thế hệ mai sau hiểu được đời sống của dân tộc Thái, về cuộc sống lao động, tinh thần, những phong tục tập quán, tâm linh, những tri thức dân gian quý giá và đạo lý làm người…

Bên cạnh đó, bà tích cực cùng ngành Giáo dục - Đào tạo tham gia viết sách cho đề án dạy tiếng Thái, tiếng Mông của ngành giáo dục tỉnh Điện Biên, cùng tham gia truyền dạy ngôn ngữ Thái cho hơn 2.500 học sinh và hơn 100 người ở nơi cư trú. Bà đã cùng với Sở VHTTDL tỉnh Điện Biên phục dựng nhiều lễ hội đặc sắc của đồng bào và góp phần giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ tình yêu và biết trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Bà là người không chỉ nắm giữ những tri thức dân gian quý giá mà còn nhận thức sâu sắc những giá trị di sản văn hóa truyền thống của người Thái đang bị mai một dần và nỗ lực để gìn giữ, trao truyền cho thế hệ tiếp nối.

Thu Loan

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site