00:07 | 09/02/2019

Cây nêu đón Tết của các dân tộc miền núi phía Bắc

(LV) - Cây nêu là vật thiêng, chứng minh và đánh dấu các vùng đất về sự có mặt của con người. Trong các lễ hội lớn như Lồng tồng, Tết nhảy... hay khi tổ chức các hoạt động vui chơi xuân, làng bản người Tày, người Nùng, người Mường, người Mông đều có tục dựng cây nêu.

>>> Nghệ thuật làm đẹp của phụ nữ Thái Tây Bắc 

Nét đẹp văn hóa…

Tập quán dựng cây nêu đón Tết xuất phát từ câu chuyện cắm nêu giữ đất, giữ làng từ thời xa xưa. Đây là dịp để đồng bào vui chơi, gửi gắm những ước mơ, khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đầy đủ, phản ánh sinh động những nét văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán của cư dân nông nghiệp, là cầu nối gắn kết sức mạnh cộng đồng.

 

Cây nêu của dân tộc Tày
Cây nêu của dân tộc Tày.

Cây nêu là cây có họ hàng với loài tre như cây vầu, cây hóp. Trước Tết, đồng bào cử thanh niên khỏe mạnh vào rừng chọn cây đẹp nhất, không sâu, không cụt ngọn, lá xanh tốt mang về làm nêu. Cây phải có thân thật thẳng, các dóng thật dài, tán ngọn phải tròn, bầu đất lúc đào lên phải còn nguyên vẹn thì khi trồng mới được tươi lâu. Loại cây này thường mọc bên ngoài bụi.

 

Điệu múa quanh cây nêu của dân tộc Mường
Điệu múa quanh cây nêu của dân tộc Mường.

Đúng vào ngày 28 tháng chạp hàng năm, nhà nhà trong bản Mường đều làm lễ lên nêu (trồng cây nêu) ở nơi trang trọng nhất trước ngôi nhà ở của mình. Cây nêu thẳng, cao 8 m, ngọn còn nguyên vẹn lá được tỉa chọn hình cái lộng. Cũng vào thời điểm đó, người Tày và người Nùng ở vùng Đông Bắc cũng chuẩn bị dựng nêu đón Tết. Trên ngọn cây nêu của người Nùng thường trang trí 1 tờ giấy đỏ, cắt tỉa đuôi thành 5 cạnh. Theo quan niệm của người Nùng, đó là biểu tượng của sự may mắn, bình an, thịnh vượng, đánh dấu vùng đất đó có sự có mặt của con người, báo hiệu cho cộng đồng người Nùng ở khắp mọi nơi và anh em các dân tộc khác cùng về trẩy hội. Có nơi thầy mo còn cắt một tờ phướn đẹp, một bên treo những chiếc bánh chay cùng những tua màu ngũ sắc với ý nghĩa cảm tạ trời đất, sự che chở của thần, Phật cho người dân. Trên ngọn cây nêu của người Tày thường trang trí tờ phướn ngũ sắc, nhạc cụ, sáo, đàn tính, xóc nhạc then. Đồng bào tin rằng đó là những vật linh gửi ước nguyện về trời và các đấng thần linh.

 

Điệu khắc luống vui nhộn của đồng bào Thái bên cạnh cây nêu rực rỡ sắc màu
Điệu khắc luống vui nhộn của đồng bào Thái bên cạnh cây nêu rực rỡ sắc màu.

Khi cây nêu đã chuẩn bị tươm tất, thầy mo quyết định chọn vị trí để dựng nêu. Cây nêu của bản sẽ được dựng ở giữa cánh đồng. Thầy mo cúng xin phép thổ địa cho dựng cây nêu để mở hội. Ngày 30 Tết cây nêu được dựng lên, các thành viên được trưởng làng phân công tập trung mang lễ vật đến trước sân làng. Thầy cúng làm lễ cầu mùa, cầu mưa thuận gió hòa, tạ ơn trời đất, cầu phúc, cầu an, xua đuổi những điều không may mắn của một năm qua cho dân làng làm ăn, cấy trồng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

 

Điệu múa của các cô gái Thổ trong ngày lễ dựng cây nêu
Điệu múa của các cô gái Thổ trong ngày lễ dựng cây nêu.

Ở dưới chân cây nêu có một bàn thờ nhỏ, được thắp hương trong suốt dịp Tết để tạ ơn trời đất. Dân bản chuẩn bị một mâm lễ với đầy đủ hương vị, sản vật quê hương để cúng thần nông và thổ công. Các thành viên đi thành vòng quanh cây nêu dùng thanh la, xóc then, kèn, trống khua vang sau đó là gạo muối, lá cây thanh táo, rượu, nước thơm từ lá rừng để trừ tà… Dân làng ai có lễ vật gì dù lớn, nhỏ cũng đem ra đặt tại bàn thờ dưới chân cây nêu làng, cầu mong những điều may mắn cho gia đình mình và dân bản, lúa gạo, vật nuôi…

 

Những lễ vật đặt bên cây nêu trong nghi lễ cúng đầu xuân của dân tộc Thái
Những lễ vật đặt bên cây nêu trong nghi lễ cúng đầu xuân của dân tộc Thái.

… Báo hiệu mùa xuân về

Lễ hội Lồng tồng diễn ra nhiều nghi thức, nghi lễ và các trò chơi dân gian, trong đó tiêu biểu là lễ giao lộc. Trong ngày hội, các nam thanh nữ tú trổ tài hát giao duyên trên các mỏm đồi, sườn núi hay ven suối. Trò chơi ném còn vui nhộn luôn được diễn ra tại cây nêu. Trên đỉnh cây nêu thường có vòng tròn đường kính khoảng 50 cm, dán giấy mỏng, một bên đỏ một bên vàng tượng trưng cho âm dương. Các cô gái khéo tay chuẩn bị những quả còn với nhiều múi vải màu xanh đỏ sặc sỡ được ghép nối lại với nhau. Bên trong quả còn họ nhồi thóc, hạt vừng, hạt cải, hạt bông. Những loại hạt này thể hiện khát vọng sinh sôi nảy nở, thóc nuôi sống con người còn bông cho sợi vải. Quả còn được trang trí các tua màu vừa làm đẹp vừa giúp định hướng quả còn khi bay. Ai cũng muốn có quả còn đẹp nhất để đi tung trong ngày hội. Quả còn tung lên mang ý nghĩa tượng trưng cho mọi việc buồn, ốm đau, mọi việc xấu sẽ được rũ sạch, thay vào đó là sự ấm no, hạnh phúc. Người ta quan niệm rằng nếu ném còn trúng vào vòng tròn và xuyên thủng làm rơi giấy là âm dương giao hòa, cuộc sống sẽ sinh sôi, mùa màng sẽ bội thu.

 

Vẻ đẹp của cây nêu trong ngày hội
Vẻ đẹp của cây nêu trong ngày hội.

Ngoài ném còn, trò chơi trong lễ hội mừng xuân còn có đua ngựa, bắn nỏ, kéo co, múa sư tử, múa lân, đấu võ, hát sli, lượn, then. Trong đó múa sư tử là hình thức biểu diễn tổng hợp gồm có múa và trò diễn cùng các bài võ tay không hoặc sử dụng binh khí thể hiện tinh thần thượng võ, ý chí rèn luyện sức khỏe của đồng bào. Lễ hội xuống đồng còn tổ chức thi cày trâu với những đường cày nhanh, đẹp và thẳng thể hiện ước mong mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm, lúa ngô đầy bồ đầy cót. Cũng như hoa đào, cây nêu là một sáng tạo văn hóa độc đáo mang đậm màu sắc văn hóa tâm linh, thế giới quan tộc người, là hình ảnh báo hiệu mùa xuân về với bản làng vùng cao.

Trần Tấn Vịnh

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site