10:09 | 04/11/2019

Cô gái với ước mơ mang bánh ít “đi khắp thế gian”

(LV) - Yêu những giá trị truyền thống của quê hương Bình Định, trong đó có món quà quê thơm thảo bánh ít lá gai, Nguyễn Thị Hồng Son – chủ nhân dự án Bánh ít lá gai Tâm Ý đã chọn trở về quê hương khởi nghiệp, mong muốn được quảng bá đặc sản xứ Nẫu tới bạn bè quốc tế.

 >>> Người giữ “hồn” nhạc cụ khèn bè dân tộc Thái

Nặng lòng với truyền thống

Trong một triển lãm khởi nghiệp được tổ chức tại TP. Đà Nẵng, gian hàng Bánh ít lá gai Tâm Ý của Nguyễn Hồng Son và các cộng sự thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều người. Bởi đó là gian hàng giới thiệu sản phẩm ẩm thực đặc trưng của đất võ Bình Định với những thiết kế độc đáo, bắt mắt, là hình ảnh Vua Quang Trung, Tháp Bánh Ít, biểu diễn nghệ thuật Bài chòi. Bánh ít lá gai Tâm Ý cũng là một trong ba dự án xuất sắc được chương trình ươm tạo doanh nghiệp của tỉnh Bình Định chọn hỗ trợ từ năm 2017 và đã đưa sản phẩm ra thị trường.

 

 
Hồng Son bên sản phẩm Bánh ít lá gai Tâm Ý
Hồng Son bên sản phẩm Bánh ít lá gai Tâm Ý.

Nguyễn Thị Hồng Son chia sẻ, trở về quê hương khởi nghiệp là một bước ngoặt trong sự nghiệp của mình. Quyết định khá liều lĩnh, bởi cô chưa hề có kinh nghiệm vận hành doanh nghiệp, làm chủ dự án nào. Tất cả kiến thức có được là do quan sát và học hỏi từ nhỏ đến khi trưởng thành làm việc, trong đó, quan trọng nhất là những giờ được làm bánh cùng mẹ, cùng bà đã trở thành “vốn dắt lưng” cho cô gái nhỏ nhắn này. Hồng Son tự hào nói, “Mình chọn bánh ít lá gai khởi nghiệp bởi vì nó có câu chuyện đậm tính nhân văn, bày tỏ sự chân thành, “của ít lòng nhiều”, được thành kính dâng lên ông bà tổ tiên, quà biếu cha mẹ hay khách quý… Cho nên đối với mình, Tâm Ý không chỉ đơn thuần là một loại bánh mà là món quà nhỏ xuất phát từ tấm lòng và quý ở tâm. Nó lan tỏa giá trị văn hóa, tinh thần tri ơn của người Việt và mình muốn mang câu chuyện đi xa kể cho các bạn năm châu biết đến...”.

Vì muốn bảo tồn những giá trị văn hóa, nên từ nguyên liệu, hương vị tới bao bì của Bánh ít lá gai Tâm Ý đều có dấu ấn riêng của mảnh đất Bình Định. Khác biệt mà Nguyễn Thị Hồng Son đầu tư, tâm huyết chính là ở việc đầu tư máy móc chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, tới khâu bao bì, thiết kế logo, nhãn hiệu, đăng ký bảo hộ thương hiệu, quét QR để truy xuất nguồn gốc xuất xứ… vừa phù hợp với nhu cầu làm quà tặng vừa đảm bảo độ tin cậy với khách hàng. Ông Lý Đình Quân, Giám đốc vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp Sông Hàn Incubator cho biết, Bánh ít Tâm Ý là một trong 25 dự án khởi nghiệp tại khu vực miền Trung đã hoàn thiện từ ý tưởng đến mô hình kinh doanh, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, truyền tải tinh thần khởi nghiệp sáng tạo để hoàn thiện sản phẩm truyền thống, tạo dựng thương hiệu thực phẩm địa phương đặc trưng. Ông cho rằng Dự án đã biến bánh ít lá gai truyền thống nhập cuộc với đời sống hiện đại nhưng vẫn bảo tồn văn hóa địa phương thông qua câu chuyện đưa tri thức, đưa lịch sử, đưa giá trị tinh hoa Việt Nam vào sản phẩm.

Khởi nghiệp vì cộng đồng

Không chỉ mong muốn quảng bá văn hóa và ẩm thực truyền thống của địa phương, dự án Bánh ít lá gai Tâm Ý còn mong muốn góp phần tạo thêm việc làm, gìn giữ và phát huy làng nghề truyền thống của địa phương. Chính vì mục đích đó, Hồng Son đã lặn lội để tìm nguồn nguyên liệu sạch, an toàn từ nhiều địa phương trong tỉnh Bình Định. Như dừa phải lấy từ mảnh đất Tam Quan (huyện Hoài Nhơn), lá gai ở Bình Thành (huyện Tây Sơn). Hiện nay, nguồn cung cấp lá gai chủ lực của dự án Tâm Ý là từ những hộ nông dân trong vùng, trong đó có gia đình trồng 7 ha lá gai. Mỗi khi thu hoạch, sơ chế lá gai cần khoảng 10 lao động. Tại cơ sở sản xuất của Tâm Ý còn có hơn 10 hộ nông dân khác trồng lá gai với quy mô nhỏ, giúp bà con có thêm nguồn thu nhập ngoài làm nông. Hiện nay, tại cơ sở sản xuất Tâm Ý có khoảng 15 lao động, đều là những người dân địa phương tham gia sản xuất.

 

 
Hướng dẫn du khách làm bánh ít lá gai
Hướng dẫn du khách làm bánh ít lá gai.

Nguyễn Thị Hồng Son còn tổ chức chương trình trải nghiệm làm bánh cho khách du lịch với những hướng dẫn viên chính là những “nghệ nhân” cả đời gắn bó với bánh ít ngay tại địa phương. Cô gái đất võ Bình Định cho biết, tùy theo nhu cầu và chương trình tour của khách du lịch mà Tâm Ý cung ứng các hình thức trải nghiệm khác nhau, tuy nhiên lịch trình vẫn là tham gia chương trình tham quan cơ sở sản xuất, được thuyết minh, giới thiệu cách thức làm bánh và sau đó tham gia vào khâu cuối cùng là hấp, nhồi nặn, đóng gói bánh… Qua quá trình làm bánh, du khách còn được nghe giới thiệu về những giá trị dinh dưỡng, những bí quyết kết hợp giữa thực phẩm và bài thuốc dân gian mà cha ông đã trao truyền cho thế hệ sau.

Cô gái đất võ Tây Sơn chia sẻ, trong thời gian tới khi dự án đã hoàn thiện, nhóm sẽ triển khai mở rộng phân phối tại các điểm du lịch, cửa hàng bán quà tặng, đặc sản trong tỉnh Bình Định, triển khai hợp tác mở dịch vụ trải nghiệm, dạy làm bánh tại Hội An, cũng như nỗ lực vươn ra xuất khẩu. “Chúng tôi chọn Hội An là vì Hội An là điểm đến ưa thích của các đoàn khách nước ngoài. Cửa hàng tại Hội An là nơi trải nghiệm và thương thảo trực tiếp với các đối tác tiềm năng. Không khí hoài cổ ở Hội An rất phù hợp với việc xây dựng nên không gian làm bánh truyền thống, kể cho du khách nghe câu chuyện văn hóa qua từng chiếc bánh…”. Đưa những hộp bánh Tâm Ý trở thành món quà du lịch, Hồng Son mong muốn qua đó góp phần quảng bá hình ảnh quê hương và những điều hấp dẫn của Việt Nam tới du khách quốc tế.

Bảo Lộc

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site