16:09 | 21/01/2015

Giữ nét “Làng” giữa phố

(LV) - Giữa sự vội vàng, hối hả của cuộc sống hiện đại, khi đô thị hóa đã và đang diễn ra ngày một nhanh, những không gian văn hóa truyền thống giữa phố phường hiện đại dần bị thu hẹp, thì câu chuyện gìn giữ và tôn tạo khuôn viên đình Khương Hạ ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội lại trở nên nhiều ý nghĩa.

Ðể không gian văn hóa truyền thống thêm văn minh

Nằm giữa lòng Thủ đô Hà Nội, trên con phố Khương Hạ đông đúc, nhưng Ðình Khương Hạ (thuộc phường Khương Ðình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn giữ được nét cổ kính, trang nghiêm với một không gian văn hóa vừa có nét truyền thống điển hình cùng hình ảnh “cây đa, giếng nước, sân đình”, vừa văn minh, quy củ và sạch đẹp. Bên cạnh nét trầm mặc, linh thiêng của tòa đại đình là một khuôn viên rộng rãi với sân lát gạch đỏ, những hàng cây cổ thụ xanh tươi, soi bóng mát quanh năm bên ao Ðình yên ả. Tất cả tạo nên một quang cảnh đẹp, trong lành và bình yên, mang bóng dáng của làng quê xưa giữa phố phường tấp nập.

Ðình tọa lạc trên hướng Ðông Nam, cổng xây 4 cột trụ vuông, trên hai cổng phụ có đôi nghê chầu. Sân đình rộng rãi, lát gạch đỏ. Từ cổng chính đi vào, có hai con voi phủ phục, được tạo bằng đá xanh, to gần bằng voi thật. Cửa đình đặt hai cây đèn đá, hai con nghê đá lớn, được làm từ đầu thế kỷ XX. Hai bên là 2 dãy tả hữu mạc, mỗi dãy 3 gian. Ðại đình 5 gian lợp ngói ta, trên đắp hình lưỡng long chầu mặt trời. Ðặc biệt, trong khuôn viên đình có 3 gian nhà học và một tấm bia “Khương Hạ học đường” dựng năm Bảo Ðại thứ 8 (1933). Ðình còn lưu giữ được nhiều di vật quý, gồm 6 tấm bia đá ở tường nhà tả mạc, 1 nhang án gỗ chạm rồng, hổ phù, mây, 1 long ngai, bài vị, 1 khám thờ, 2 bức đại tự, 21 đạo sắc phong có niên đại từ năm Ðức Long thứ 5 (1633) đến năm Khải Ðịnh thứ 9 (1924). Năm 1993 được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Một góc đình Khương Hạ   Ảnh: Thanh Duy
Một góc đình Khương Hạ Ảnh: Thanh Duy.

Ðình Khương Hạ là không gian văn hóa gắn bó lâu đời với nhân dân nơi đây, không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, giáo dục và gìn giữ truyền thống văn hóa tốt đẹp lâu đời của nhân dân trên địa bàn, mà còn là nơi thư giãn, vui chơi thể thao, giải trí của các tầng lớp nhân dân sau mỗi ngày lao động, công tác, học tập vất vả. Thế nên, việc gìn giữ di tích và sắp xếp, chỉnh trang khuôn viên của Ðình là nguyện vọng thiết tha của nhân dân trong phường. Trao đổi với chúng tôi, cụ Nguyễn Minh Hùng, Trưởng tiểu ban Ban quản lý di tích phấn khởi nói: “Mất nhiều công nhiều sức lắm mới có khuôn viên đẹp và sạch sẽ thế này các anh ạ. Trước đây, dân Khương Ðình còn nghèo lắm, nghề chủ yếu là muối dưa cà, chúng tôi phải cóp nhặt từng viên gạch công đức của nhân dân để Ðình có diện mạo như ngày nay. Tuy nhiên, ý thức của một số người dân chưa cao, thêm khách vãng lai đi đường thấy tiện là ghé vào rồi vứt rác bừa bãi nên mất vệ sinh lắm”. Cụ cho biết thêm, mặc dù chính quyền và các đoàn thể đã nhiều lần ra quân vệ sinh môi trường, song tình trạng ô nhiễm, mất vệ sinh vẫn chưa được khắc phục.

Cần sự đồng thuận của nhân dân

Xuất phát từ thực tế và trên cơ sở nguyện vọng của nhân dân trong Phường, Ðảng ủy, UBND phường Khương Ðình đã giao cho Ban quản lý di tích, chỉnh trang, sắp xếp lại khuôn viên của Ðình, phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân tổ chức ra quân tổng vệ sinh môi trường: Gom rác thải, vớt rác ao Ðình, trồng thêm cây xanh, láng lại hệ thống sân Ðình, tháo dỡ các bục bệ tự xây và đưa vào khuôn viên hơn 40 ghế đá. Ðặc biệt, đã đầu tư xây dựng một nhà vệ sinh mới khang trang, hiện đại, tạo điều kiện thuận tiện cho nhân dân trong quá trình sinh hoạt văn hóa, tâm linh và vui chơi giải trí trong khuôn viên của Ðình. Những việc làm thiết thực ấy đã góp phần tạo diện mạo mới, làm cho không gian văn hóa di tích truyền thống thêm phần văn minh, hiện đại, tạo được niềm tin và không khí phấn khởi trong lòng nhân dân trên địa bàn Phường.

Ðể không gian văn hóa truyền thống của Ðình luôn mang tới vẻ đẹp và trật tự văn minh đô thị không phải là chuyện “một sớm một chiều”. Nó đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của chính quyền và đoàn thể các cấp, sự đồng thuận và ủng hộ nhiệt tình của nhân dân mới có thể đem lại hiệu quả tích cực. Do vậy, ngay từ khi có ý kiến phản ánh của cử tri và nhân dân Phường, Ðảng ủy và UBND phường Khương Ðình đã kịp thời chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, xây dựng phương án và triển khai thực hiện đồng bộ với quyết tâm cao nhất, vừa thực hiện vừa truyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận cao trong toàn thể nhân dân trên địa bàn Phường, nhờ đó đã giải quyết dứt điểm tình trạng mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, thiếu mỹ quan đô thị, trả lại sự tôn nghiêm, trong lành và văn minh, sạch đẹp cho khuôn viên của Ðình.

Đình Khương Hạ có tên nôm là đình Gừng, thờ vị Thành hoàng làng là Lê Dương Vệ. Tương truyền, Ngài là một danh tướng thời Lê, có nhiều công lao, khi nhà Mạc chiếm ngôi nhà Lê năm 1527, Ngài mang quân phò Lê, chống Mạc. Đạo sắc phong sớm nhất ở Đình ghi niên hiệu Đức Long thứ 5 (1633) thời vua Lê Thần tông, cho thấy đình ít nhất được xây dựng từ thế kỷ XVII.

Nguyễn Trung Hưng

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site