10:09 | 29/06/2015

Trong xanh như nước giếng làng

(LV) - Từ bao đời nay, giếng là nơi cung cấp nguồn nước sạch cho cả cộng đồng. Nguồn nước ấy là mạch sống, là sinh mệnh của cả làng. Vì vậy, giếng làng là nơi khơi nguồn cho những khát khao vẫy vùng, cũng là nơi để người xa xứ trong phút giây nào đó bất chợt nhớ nhung mà làm “thân cá nhỏ lội ngược dòng”: “Tròn tròn giếng nước gốc đa/Ai gần nhớ ít ai xa nhớ nhiều”.

Trong ký ức tuổi thơ

Người ta bảo con gái làng nào có nước da đẹp, đôi mắt long lanh đều nhờ vào nguồn nước của làng, nhờ vào mạch nguồn sâu thẳm và bí ẩn. Giếng nước quê tôi không biết có từ lúc nào mà từ bé tôi đã thấy nó rêu phong cổ kính. Bậc lên xuống giếng lát bằng đá xanh to bản cỡ nửa chiếc chiếu. Bờ tường xung quanh kè gạch nghiêng. Đây là loại gạch đặc biệt, mỏng và to bản có thể thanh lọc cho nước trong xanh hơn. Sau lớp rễ cây dương xỉ bám mọc, gạch vẫn giữ màu đỏ sậm, cứ tưởng theo năm tháng nó sẽ bị sóng nước ăn mòn nhưng hóa ra còn mãi.

Giếng sữa, xã đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội
Giếng sữa, xã đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội.

Nhớ lời mẹ dặn thuở nào: “Trưa hè đừng có ra giếng làng quấy phá, Ngài quở đấy”. Chẳng là cái giếng làng tôi nằm ngay cạnh cổng tam quan đình làng - nơi thờ đức thánh Trần Hưng Đạo. Thế mà chúng tôi hồn nhiên không biết sợ, vẫn lén ra giếng nô đùa, men theo thành giếng với tay hái mấy bông sen đang nở rồi hò reo rộn vang cả bến nước. Thật may cho thời thơ dại không đứa nào bị ngã xuống giếng. Có lẽ, đối với lũ trẻ tinh nghịch, đức Thành Hoàng vẫn chở che cho!

Nơi khơi nguồn mạch sống

Đi qua rất nhiều làng quê Việt Nam, tôi nhận ra rằng hình như làng nào cũng chỉ gọi giếng làng mình bằng một cái tên chung duy nhất: Giếng làng. Thoáng nghe tên gọi ấy đã thấy gần gũi thân thương. Không gần gũi sao được, vì giếng là nơi bình lặng, nơi âm thầm khơi mạch nguồn dịu ngọt nuôi dưỡng con người từ đời này qua đời khác. Thời làng quê chưa có nước máy dong về tận ngõ, nước giếng làng có mặt ở hầu hết các sinh hoạt của con người và cộng đồng. Hàng ngày, các bà, các mẹ, các chị gánh nước cữu kịt trên vai về nhà đổ đầy bể, đầy chum, cho những bữa cơm ngon, canh ngọt. Và rồi nhớ lắm những ngày giáp Tết, mấy bố con gói bánh chưng, xếp bánh vào nồi, bắc bếp và đợi mẹ gánh nước giếng về để nổi lửa nấu bánh cho xanh và rền. Nhớ lắm những sáng mồng một, mẹ dậy từ sớm ra giếng làng gánh nước về nhà để cầu mong một năm phúc lành, may mắn. Hay mỗi khi làng vào hội những bậc cao niên lại thực hiện nghi thức lấy nước giếng làng làm lễ mộc dục đầy linh thiêng, thành kính.

Trẻ em nô đùa và tắm mát ở giếng xóm Lươn, xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội
Trẻ em nô đùa và tắm mát ở giếng xóm Lươn, xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Có lẽ, vì tầm quan trọng với đời sống thường ngày và đời sống tín ngưỡng dân gian như vậy mà mọi chuyện xoay quanh giếng làng đều trở thành nỗi lo lắng, trăn trở chung của cả cộng đồng. Ví như việc chọn đất khơi giếng. Trước hết, dân làng sắm lễ vật dâng lên trình báo đức Thành Hoàng rồi cùng nhau bàn bạc chọn mảnh đất nào vừa cao ráo, thoáng đãng, vừa không quá xa hoặc quá gần khu dân cư để không bất tiện khi sử dụng và không làm ô uế nguồn nước. Khi định sẵn một vài địa điểm có thể khơi giếng, còn phải thử xem chỗ nào có mạch nước tốt nhất bằng cách để úp chiếc bát con trên mặt đất, đợi đến sáng hôm sau lật bát lên, chiếc nào đọng nhiều nước hơn thì chọn làm nơi khơi giếng. Khi giếng khơi xong, mạch nước ấy tuôn chảy dồi dào, trong mát không đục, không mặn, không chát, không có mùi hôi là giếng tốt. Đó là một trong những dấu hiệu cho biết rồi đây phúc lành sẽ đến với cộng đồng. Cho nên nói giếng làng là nơi tụ thủy, tụ phúc là vì vậy.

Giếng làng - một mảnh hồn quê

Ngoài công năng sử dụng về mặt vật chất, giếng làng còn là trung tâm văn hóa của làng quê. Cùng với mái đình, mái chùa cổ kính, giếng nước trong xanh in bóng mây trời, hè đến lại thoang thoảng hương sen lẫn vào hương đồng gió nội là nơi các bà, các mẹ ngồi chơi hóng mát mỗi khi làm đồng về với biết bao câu chuyện làng quê vui buồn. Bọn trẻ thì tha hồ nô đùa với muôn vàn trò chơi thả diều, bắn bi, đánh đáo. Và mỗi khi đêm xuống, trăng lên sáng tỏ, không ít trai gái trong làng yêu nhau say đắm đã ra bờ giếng làng mà hẹn hò, thề nguyện giữ trọn tình thủy chung: “Nguyện cùng trước giếng sau chùa/ Trăm năm giữ vẹn chát chua chẳng nề”.

Giếng làng đã đằm sâu trong bao tâm hồn người Việt
Giếng làng đã đằm sâu trong bao tâm hồn người Việt .

Đối với lịch sử dân tộc, không hiếm khẩu giếng cổ còn góp thêm tiếng nói về truyền thống lịch sử và khẳng định chủ quyền đất nước. Ví như chiếc giếng cổ trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) tương truyền đích thân vua Gia Long cho đào để lấy nước ngọt khi đặt chân tới đảo. Trải qua bao biến cố thăng trầm, đến nay chiếc giếng vẫn tuôn trào nguồn nước trong lành giữa muôn trùng sóng biển mặn mòi vừa nuôi sống biết bao người con đất Việt vừa là minh chứng khẳng định vững chắc về chủ quyền biển đảo quê hương.

Giếng làng là một phần hồn cốt của quê hương, đã trở thành miền cổ tích thời thơ ấu của bao lớp người Việt. Theo thời gian, biết bao hình ảnh đẹp về giếng làng chỉ còn trong ký ức. Những miền quê bình dị nay dần lên phố, nhà cao cửa rộng vây kín giếng làng, nên đâu còn “trăng nơi đáy giếng”? Nước máy thì dong về tận ngõ nên ai còn thiết tha gánh nước? Thế là giếng làng bỗng chốc bị lãng quên, trở nên tiêu điều váng bọt thời gian. Âu cũng là lẽ thường tình, song sẽ là ân tình biết bao nếu như dẫu không dùng nước giếng như xưa, chúng ta vẫn có ý thức bảo vệ nó, giữ gìn nó để nước giếng làng mãi mãi xanh trong.

Nguyễn Trọng Nghĩa

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site