20:00 | 02/10/2015

Căn cứ Trung ương Cục Miền Nam

(LV) - Cách thành phố Tây Ninh khoảng 60 km, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam tọa lạc tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, sát biên giới Việt Nam – Campuchia. Với những giá trị thiết thực về nhiều mặt, ngày 10/5/2012 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 548/QĐ.TTg xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với với Khu di tích căn cứ Trung ương cục miền Nam.

 >>> Di tích quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh

 >>> Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Phù Đổng

 >>> Thành cổ Quảng Trị

 >>> Khu di tích quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo

 >>> Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều

 >>> Di tích lịch sử Đền Hát Môn

 >>> Đền thờ Hai Bà Trưng

Chiếc nôi của cách mạng miền Nam

Trung ương Cục miền Nam được thành lập vào tháng 3/1951, là một bộ phận của Trung ương Đảng, được Trung ương ủy nhiệm chỉ đạo toàn bộ công tác của Đảng ở miền Nam, lãnh đạo quân dân miền Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Khi mới thành lập, Trung ương Cục miền Nam (TW Cục miền Nam) đứng chân trên địa bàn Sử Đập Đá-Chắc Băng thuộc vùng U Minh Thượng-tỉnh Cà Mau (nay thuộc huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang).

 

Di tích lịch sử dân vận Trung ương Cục miền Nam
Di tích lịch sử dân vận Trung ương Cục miền Nam.

Tháng 10/1954, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) quyết định giải thể Trung ương Cục miền Nam để thành lập Xứ uỷ Nam bộ. Sau hiệp định Genève, cuối năm 1955, tại các địa phương thuộc vùng địch tạm chiếm, các tổ chức Đảng phải trở lại hoạt động bí mật. Sau phong trào Đồng Khởi 1960, cách mạng miền Nam chuyển sang giai đoạn mới, các cuộc khởi nghĩa từng phần đã chuyển thành một cuộc chiến tranh cách mạng trên quy mô toàn miền Nam, Trung ương Cục miền Nam đã tái lập vào ngày 23/11/1961, trú đóng tại Suối Nhum-Mã Đà, Chiến khu Đ (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Nhân sự lãnh đạo Trung ương Cục lúc này gồm 8 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc) - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư xứ ủy Nam bộ làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam.

Trung ương Cục miền Nam qua từng giai đoạn được mang nhiều tên gọi (mật danh) khác nhau như A9, M40, K89, Ba Đình… Mật danh R được sử dụng lâu nhất (chữ “R” viết tắt từ chữ “Région” của Pháp, có nghĩa là “xứ” hoặc “miền”). Do bối cảnh, điều kiện đặc biệt thời kháng chiến, cơ quan Trung ương Cục miền Nam đã phải di chuyển vị trí trú đóng trên 30 lần, có thời gian phải tạm thời di dời sang vùng Phum Tộ của nước bạn Campuchia (1971).

 

Di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam
Di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

Sau thời gian chiến đấu ở chiến khu Đ, Trung ương Cục miền Nam được chuyển về khu B-Bắc Tây Ninh, vì Tây Ninh là địa bàn chiến lược quan trọng, với địa hình rừng núi trải rộng, nối liền cực Nam Trung bộ với đồng bằng Tây Nam bộ, đặc biệt là nhân dân các dân tộc có truyền thống yêu nước – Đó là điều kiện thuận lợi để hình thành căn cứ kháng chiến, xây dựng hệ thống căn cứ liên hoàn, tạo thế vững chắc cho lực lượng kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Lúc đầu các cơ quan Trung ương Cục lần lượt chuyển về căn cứ mới, đóng thành từng cụm như: Lò Gò, Tà-Nốt, Đồng Pan, Xa Mát, Kà Tum, Bổ Túc, Rùm Đuôn, Chàng Riệc… Tháng 2/1962 tất cả các cơ quan Trung ương Cục đều di chuyển hết về Khu căn cứ Bắc Tây Ninh.

Đầu năm 1967, đế quốc Mỹ mở cuộc hành quân Junction City đánh vào căn cứ Bắc Tây Ninh. Đây là cuộc hành quân lớn nhất miền Nam, với âm mưu “tìm - diệt” căn cứ Trung ương Cục, Bộ Chỉ huy Miền, Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam, Đài phát thanh giải phóng… Sau 53 ngày đêm, cuộc hành quân lớn nhất của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam bị phá sản hoàn toàn với 1/4 số quân trực tiếp tham chiến bị loại, mất 1/3 số tăng-thiết giáp…

Đầu năm 1973, cơ quan Trung ương Cục miền Nam chuyển toàn bộ về khu rừng Rùm Đuôn trú đóng cho đến ngày 30/4/1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng. Để giúp việc cho cơ quan Trung ương Cục và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, các ban của Trung ương Cục được thành lập gồm: Văn phòng Trung ương Cục, Ban Tổ chức, Ban Cơ yếu, Ban Quân sự miền (sau là Bộ Chỉ huy miền), Ban Kinh tài. Các cơ quan trên được thành lập từ năm 1961, năm 1962 và những năm tiếp theo thành lập thêm các cơ quan: Ban Giao bưu, Ban Binh vận, Ban An ninh (1962), Ban Tuyên huấn (1965), Ban Thông tin (1967), Ban Chính trị (1968)…

“Địa chỉ đỏ” giáo dục tinh thần yêu nước

Ngày 31/8/1990, Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) ban hành Quyết định số 839/QĐ.BT công nhận Di tích lịch sử văn hóa Trung ương Cục miền Nam là Di tích quốc gia.

 

Những kỷ vật tại phòng trưng bày căn cứ Trung ương Cục miền Nam
Những kỷ vật tại phòng trưng bày căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

Khu di tích có 3 phân khu chức năng gồm: khu di tích, khu tưởng niệm, khu bảo tồn cảnh quan thiên nhiên - du lịch. Khu di tích gồm các hạng mục công trình đã được phục chế như: 14 ngôi nhà là hội trường, nhà đón tiếp, nhà bảo vệ, nhà bếp- bếp Hoàng Cầm và nhà các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục qua các thời kỳ (Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh, Võ Văn Kiệt, Phạm Hùng, Phan Văn Đáng, Phạm Thái Bường, Phạm Văn Xô, Trần Nam Trung), hệ thống giao thông hào (sâu 120cm, rộng 80cm, dài 1.253m, từng đoạn có ụ chiến đấu và hàm ếch tránh phi pháo) hầm chữ A chống bom - pháo, công sự chiến đấu liên hoàn, hệ thống đường mòn đi bộ và cả hố bom từ máy bay B52 của Mỹ rải thảm xuống khu rừng. Nhà các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục qua các thời kỳ đều có cấu trúc giống nhau về hình dáng và kích thước, riêng nhà đồng chí Võ Văn Kiệt có cấu trúc mang hình dáng nhà sàn, có phần mái hiên “tiền sảnh” phía trước. Khu tưởng niệm trưng bày một số hiện vật của các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục, tài liệu, phim ảnh, sa bàn… (trong đó có bức thư Bác Hồ gửi Tổng Bí thư Lê Duẩn-Bí thư Trung ương Cục Miền Nam đầu tiên, bày tỏ nguyện vọng vào thăm đồng bào, chiến sĩ miền Nam, thăm “căn cứ” Trung ương Cục miền Nam). Khu bảo tồn thiên nhiên là toàn bộ khu rừng nguyên sinh rộng 30ha, nằm trong tổng thể khu rừng được khoanh nuôi, bảo tồn rộng 1.360ha.

 

Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Thanh
Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Thanh.

Gần Khu di tích lịch sử Trung ương Cục miền Nam nằm trong khu rừng nguyên sinh Chàng Riệc còn có Khu di tích Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Khu di tích Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và quần thể khu di tích Ban An ninh Trung ương Cục, các ban trực thuộc Trung ương Cục, các cơ quan, đơn vị thuộc Chính phủ Cách mạng lâm thời, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam…

Khu di tích lịch sử căn cứ Trung ương Cục miền Nam được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt là niềm vui, niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân Tây Ninh; là hiện vật hết sức quý báu để giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho các thế hệ mai sau; là cơ sở nghiên cứu khoa học và là trung tâm du lịch lịch sử, du lịch sinh thái của quê hương Tây Ninh “Trung dũng, kiên cường”. Việc bảo vệ, phát huy tác dụng giáo dục truyền thống của khu di tích lịch sử được xếp hạng đặc biệt này không chỉ riêng của Ban quản lý các khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam tại Tây Ninh, của Sở văn hoá, Thể thao và Du lịch mà là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân Tây Ninh, địa phương đã có thành tích vẻ vang trong việc bảo vệ an toàn cơ quan lãnh đạo cao nhất của cách mạng miền Nam qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc ta.

Kim Nương (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site