14:00 | 25/01/2015

Festival Macadamia 2015 và mục tiêu 200.000 tấn hạt năm 2025

(LV) - Sau hơn 10 năm cây mắc ca (Macadamia) được đưa vào trồng tại Việt Nam, diện tích mới đạt trên 2000 ha và có trên 10 giống mắc ca phù hợp với vùng Tây Nguyên, Tây Bắc. Việt Nam đã quy hoạch 200.000 ha mắc ca ở Tây Nguyên và 30.000 ha ở Tây Bắc. Dự kiến, đến 2025 đạt 200.000 tấn hạt mắc ca và tạo ra giá trị thương mại hàng tỷ USD sau năm 2025.

Hạt mắc ca được mệnh danh là hoàng hậu quả khô bởi giá trị dinh dưỡng vượt trội cũng như mùi vị rất đặc trưng. Hạt mắc ca được biết đến là loại hạt ngon nhất, có vỏ cứng nhất, tốn nhiều công chăm sóc nhất và là một trong những loại hạt đắt nhất thế giới.

Đây là loại hạt quý, hiếm, giá đắt nên nó được mệnh danh là “hoàng hậu" trong các loại hạt khô. Hạt mắc ca tròn như hạt nhãn, bên trong lõi có màu kem sữa và láng bóng, đường kính hạt từ 2-3 cm. Hạt có vị thơm mềm như bơ và tan mịn trên đầu lưỡi khi cho vào miệng bởi mắc ca có chứa hàm lượng chất béo rất cao. Do hạt mắc ca hiếm, phải nhập từ thị trường châu Úc nên có giá đắt.

Hiện nay, một số vùng ở Việt Nam cũng có trồng được mắc ca, trong đó hai vùng khí hậu Tây Bắc và Tây Nguyên của Việt Nam được đánh giá là phù hợp để phát triển cây mắc ca.

TS. Nguyễn Trí Ngọc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây cho biết, cây mắc ca là loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao gấp đôi, thậm chí gấp ba cây cà phê, cây điều, thị trường tiêu thụ rất lớn, hiện cung không đủ cầu. Thực tế canh tác cho thấy một cây mắc ca có thể cho tới 70 kg quả, và với giá hiện khoảng 15 USD/kg hạt thì Việt Nam chỉ cần 10 năm để phát triển 100.000 ha, và có thể đạt được kim ngạch khoảng 2 tỷ USD/năm. Cũng vì thế, người ta gọi mắc ca là cây "tỷ đô".

Hiện nay, thị trường mắc ca Việt Nam bắt đầu sôi động với sự tham gia của cả nông dân; các nhà khoa học; doanh nghiệp trồng, chế biến và xuất nhập khẩu; các nhà đầu tư; người tiêu dùng và được Chính phủ đặc biệt quan tâm.

Điều 12 Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chính thức có hiệu lực từ 10/2/2014 quy định: “Các dự án trồng cây macadamia có quy mô từ 50 ha trở lên được ngân sách nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng/ha để xây dựng đồng ruộng, cây giống. Hỗ trợ xây dựng cơ sở sản xuất giống cây macadamia quy mô 500.000 cây giống/năm trở lên, mức hỗ trợ tối đa là 70% chi phí đầu tư/cơ sở …”.

Bên cạnh đó, tại khoản 4, điều 3 Thông tư số 05/2014/TT-BKHĐT hướng dẫn thi hành NĐ210 của CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn quy định: “Diện tích đất trông cây mắc ca, cây dược liệu của dự án là diện tích đất mà doanh nghiệp được Nhà nước giao, cho thuê hoặc diện tích đất do doanh nghiệp liên doanh, liên kết với tổ chức, hộ gia định và cá nhân hoặc diện tích đất do doanh nghiệp thuê, mượn của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Cây mắc ca được trồng phân tán hoặc trồng tập trung, khi trồng phân tán cứ 500 cây được quy đổi thành 1 ha. Cơ sở sản xuất giống cây mắc ca có thể triển khai các vườn ươm, vườn giống tại các địa điểm khác nhau.” Như vậy, về mặt cơ chế chính sách và chủ trương của Nhà nước đối với vấn đề này đã rất rõ ràng.

Trong năm 2014, IDT International, Viện nghiên cứu và phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây đã tổ chức diễn đàn tại Hà Nội với chủ đề “Phát triển cây mắc ca vì mục tiêu làm giàu của nông dân Tây Bắc và Tây Nguyên” và tại TP. Hồ Chí Minh với chủ đề “Phát triển cây mắc ca - cơ hội hợp tác và làm giàu”. Hai diễn đàn lớn đã góp phần tạo nên một thị trường mắc ca sôi động, mang đến nhiều cơ hội kinh doanh cho các hộ nông dân trồng cây mắc ca và các đơn vị nhập khẩu, chế biến các sản phẩm từ mắc ca.

Tháng 02/2015, Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Ban kinh tế Trung ương Đảng, Tỉnh ủy – UBND tỉnh Lâm Đồng cũng sẽ chủ trì hội thảo “Chiến lược phát triển cây Mắc ca tại Tây Nguyên” do Cty CP Him Lam và Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt phối hợp tổ chức nhằm chia sẻ cơ hội để nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng cách đưa cây mắc ca vào thay thế cây cà phê ở Tây Nguyên.

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt đang thực hiện đề án cho nông dân vay 10 nghìn tỷ đồng để trồng loại cây này; Cty CP Vinamacca tham gia và thực hiện dự án tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mắc ca, xây dựng 3 vườn ươm quy mô lớn tại huyện Yên Thủy – Tỉnh Hòa Bình, huyện Krông Năng và Cty Cà phê 715B M’ Drak – tỉnh Đăk Lắk; Cty CP Macadamia tỉnh Điện Biên đã triển khai dự án trồng 3.400 ha rừng kinh tế kết hợp trồng cây mắc ca tại địa bàn huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên….

Ngày 24/01, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Tây Bắc, Viện nghiên cứu và phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây và Công ty cổ phần Thương mại, Đầu tư và Phát triển công nghệ quốc tế (IDT International) phối hợp tổ chức sự kiện lớn “Festival Macadamia 2015” với gần 2000 lượt khách tham dự.

Sự kiện lớn Festival Macadamia 2015 mong muốn giới thiệu tới cộng đồng người tiêu dùng các sản phẩm chế biến từ mắc ca và những cơ hội đầu tư có khả năng cho lợi nhuận cao và bền vững đồng thời tạo một diễn đàn để thông qua đó tìm thêm các giải pháp phát triển và nhân rộng cây mắc ca cũng như chế biến các sản phẩm từ mắc ca. Đây cũng là dịp để lãnh đạo các Bộ, ban, ngành trung ương, địa phương và các nhà khoa học, các doanh nghiệp, nhà đầu tư …. gặp nhau để cùng thảo luận tìm ra những giải pháp, hướng đi phát triển mắc ca một cách toàn diện.

Festival Macadamia 2015
Festival Macadamia 2015. Ảnh: Lê Bình

Theo thống kê của Hiệp hội quả hạch và hoa quả sấy thế giới (INC), năm 2012, tổng sản lượng mắc ca toàn thế giới đạt trên 145.000 tấn (hạt nguyên vỏ) về lượng và đạt khoảng 728 triệu USD về giá trị. Tốc độ tăng trưởng của thị trường từ năm 2006 đến nay trung bình từ 10-15%/năm.

Đặc biệt năm 2014 đã có sự đổi ngôi của Nam Phi vượt lên thay thế Úc (là nước đang dẫn đầu về sản xuất mắc ca trong 40 năm qua) để trở thành quốc gia sản xuất mắc ca lớn nhất thế giới. Đây là một thành tích đáng nể của Nam Phi sau 20 năm kiên trì phát triển ngành mắc ca.

Thị trường mắc ca tại châu Á hiện đang tăng trưởng rất mạnh. Năm 2014 đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể của thị trường Trung Quốc và Đài Loan. Theo thống kê chưa đầy đủ thì năm 2014, Trung Quốc đã nhập khẩu 36% lượng mắc ca trên thế giới. Bên cạnh đó, còn rất nhiều thị trường lớn chưa được khai thác như thị trường Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Đông và Việt Nam...

Theo Hãng tin AP, hạt mắc ca vốn xa lạ với nhiều người Hàn Quốc, nhưng mọi chuyện đã thay đổi sau khi xảy ra vụ “Hạt mắc ca nổi giận”. Cho Hyun-ah, con gái của chủ sở hữu kiêm Chủ tịch Korean Air Lines đã đuổi một tiếp viên khỏi máy bay ở sân bay JKF ở New York chỉ vì đem hạt mắc ca đến mời cô trong túi thay vì cho ra đĩa. Kết quả của vụ việc xảy ra ngày 5/12/2014 là cô Cho - người bị báo chí Hàn gọi là “công chúa hư” - phải từ bỏ mọi chức vụ tại Korean Air Lines đồng thời đối mặt với nguy cơ lãnh án 10 năm tù giam nếu bị kết tội vi phạm an toàn hàng không.

Tuy vậy, một “tác dụng phụ” ít ai ngờ tới của vụ bê bối trên là hạt mắc ca nhanh chóng nổi lên thành một cái tên quen thuộc ở Hàn Quốc. Rất nhiều người dân xứ kim chi tò mò về mùi vị của loại hạt này, khiến doanh số hạt mắc ca tăng chóng mặt. Trang bán hàng trực tuyến lớn thứ nhì Hàn Quốc là Auction, một trang con của hãng thương mại điện tử Mỹ eBay tại nước này, cho biết đến ngày 15/12 doanh số hạt mắc ca tăng gấp gần 12 lần trong vòng 5 ngày trước đó, mà không cần tới bất kỳ biện pháp quảng cáo hay khuyến mãi nào. Thậm chí, doanh số hạt mắc ca trên trang mua sắm trực tuyến lớn nhất Hàn Quốc là Gmarket - cũng là một trang con của eBay - tăng gấp 20 lần trong vòng 6 ngày tính tới 14/12.Trên trang thương mại điện tử của công ty Coupang, loại hạt mắc ca Mauna luôn rơi vào tình trạng “cháy hàng”.

Bà Lynne Zielke, quản lý phát triển thị trường của Hiệp hội Macadamia Úc nhận xét: ” Thị trường Nhật Bản trước đây chỉ có vài người mua mắc ca chủ yếu để làm quà tặng. Nay nhiều người đã mua sản phẩm này như một loại thực phẩm ăn nhẹ hàng ngày. Cách ăn cũng khác trước, thay vì ăn sô-cô-la có trộn loại hạt này thì nay họ chỉ ăn riêng mắc ca và có thể kèm thức uống hay bia.”

Theo con số thống kê thì thị trường toàn thế giới đến năm 2020 cần khoảng 220.000 tấn nhân (tương đương 650.000 tấn hạt). So với nhu cầu thì nguồn cung đến năm 2020 mới chỉ đáp ứng khoảng 25 – 30% lượng cầu. Từ đó, thấy rằng nhu cầu của sản phẩm mắc ca là rất lớn, nên việc phát triển nếu được quy hoạch, lựa chọn vùng thích hợp tốt thì hoàn toàn có triển vọng.

Hoài Nam

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site