23:15 | 24/06/2018

+ Xây dựng Hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam: Bài toán vừa cấp bách, vừa lâu dài

>>> Cần cấp bách xây dựng hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam

(LV) - Xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần phát triển văn hóa, hoàn thiện con người Việt Nam. Trong giai đoạn đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, có sự biến động về kinh tế, xã hội, suy giảm về đạo đức, lối sống thì việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam là bài toán vừa cấp bách, vừa lâu dài.

Tất yếu xây dựng hệ giá trị về văn hóa và con người

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW) đã đặt ra mục tiêu: “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam”. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII cũng xác định nhiệm vụ: “Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.

Giá trị văn hóa là yếu tố cốt lõi của văn hóa, được sáng tạo và kết tinh trong quá trình lịch sử. Giá trị văn hóa hướng đến những nhu cầu và khát vọng của cộng đồng về những điều tốt đẹp (chân, thiện, mỹ), từ đó bồi đắp và nâng cao bản chất con người.Chính vì vậy mà văn hóa thông qua hệ giá trị góp phần điều tiết sự phát triển của xã hội.

 

Toàn cảnh Hội thảo khoa học ngày 31/5/2018
Toàn cảnh Hội thảo khoa học ngày 31/5/2018.

Giá trị con người là những giá trị thể hiện phẩm chất, đạo đức, năng lực con người; là những đánh giá về con người thông qua các mối quan hệ với xã hội và với môi trường tự nhiên xung quanh. Trong giá trị con người, những giá trị mang tính nguyên tắc, trở thành tiêu chuẩn, khuôn mẫu, được các thành viên trong xã hội thừa nhận để hướng tới thì trở thành giá trị con người chuẩn mực.

Và việc xây dựng hệ giá trị về văn hóa và con người chuẩn mực Việt Nam là điều tất yếu phù hợp với xu thế hiện nay. Ở Việt Nam, tuy đã có không ít công trình nghiên cứu cả tổng hợp lẫn chuyên sâu về mảng đề tài này, nhưng qua điểm luận các công trình nghiên cứu, có thể thấy, nhìn chung các tác giả ít có sự phân định rõ ràng giữa “hệ giá trị văn hóa” và “hệ giá trị con người”. Phần lớn các công trình đưa ra một hệ giá trị tổng quát, trong đó lồng ghép các giá trị văn hóa và giá trị con người, chỉ có một số ít tác giả đưa ra trực tiếp khái niệm “giá trị văn hóa”.Tuy nhiên, trong hệ giá trị này vẫn có sự pha trộn giữa giá trị văn hóa và giá trị con người.

Những biến động mạnh về hệ giá trị văn hóa, con người

Hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị con người Việt Nam hiện nay đang có những biến động lớn trong bối cảnh chuyển đổi đa chiều, phức tạp của tình hình trong nước và quốc tế. Trước những nhân tố tác động lớn cả bên trong và bên ngoài, chủ quan và khách quan, sự vận động và thay đổi các giá trị văn hóa, giá trị con người Việt Nam là điều tất yếu.

Đó là sự suy giảm hoặc thay đổi thang bậc ở một số giá trị truyền thống: sự mai một, phai nhạt, thậm chí suy thoái ở một số giá trị vốn được coi trọng trong xã hội truyền thống như: tiết kiệm, cần cù, giản dị, khiêm tốn, chung thủy... Hay sự bảo lưu và duy trì một số giá trị truyền thống tốt đẹp vẫn tiếp tục được duy trì và đề cao trong xã hội hiện nay, mặc dù có sự thay đổi nhất định về nội dung và phương thức biểu hiện: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, đoàn kết... Dẫn đến sự xuất hiện và bổ sung những giá trị mới là những giá trị văn minh, hiện đại có nguồn gốc từ phương Tây và trở nên phổ quát trên thế giới hiện nay là dân chủ, tự do, pháp quyền, bình đẳng, thịnh vượng, trách nhiệm, bản lĩnh cá nhân...

Theo các nhà khoa học, hiện nay hệ giá trị văn hóa Việt Nam đang có những biến động ghê gớm, có những “cú sốc” về văn hóa.Hệ giá trị truyền thống đang dần mất đi, giá trị mới chưa hình thành, chính vì vậy, các giá trị đang có sự đảo lộn, dẫn đến sự xuất hiện của một số phi giá trị như ích kỷ cá nhân, phủ nhận những giá trị truyền thống…

 

Những giá trị vắn hóa truyền thống đã được bảo tồn và phát huy cho đến nay, đang tạo ra hệ giá trị văn hóa mới của thời hiện đại
Những giá trị vắn hóa truyền thống đã được bảo tồn và phát huy cho đến nay, đang tạo ra hệ giá trị văn hóa mới của thời hiện đại.

Trong các xu hướng này bộc lộ rất rõ các mâu thuẫn: giữa giá trị vật chất và giá trị tinh thần, giữa lợi ích xã hội và lợi ích cá nhân, giữa lợi ích lâu dài và lợi ích trước mắt, giữa tâm lý bao cấp và tâm lý thị trường, giữa tâm lý cào bằng và tâm lý phân hóa. Việc xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, làm sao để các giá trị mới không quá cao siêu, lý tưởng, giáo điều mà cần thiết thực, phù hợp, khả thi.

Ngoài ra,theo GS.TS. Đinh Xuân Dũng, Hội đồng Lý luận Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, thì hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam không chỉđiều tiết mà còn định hướng sự phát triển của xã hội, như Bác Hồ đã nói “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, văn hóa góp phần bài trừ tham nhũng và các tệ nạn xã hội đang khiến cho đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng và nhức nhối như hiện nay.

Việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và con người chuẩn mực Việt Nam là điều cấp bách. Bài toán cấp bách này cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, để không chỉ có giá trị cho hiện tại mà định hướng lâu dài cho tương lai.Tuy nhiên, TSKH.Phạm Đỗ Nhật Tiến, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, với bài toán vừa cấp bách, vừa lâu dài như vậy, chúng ta không thể kỳ vọng ngay sự đồng thuận của toàn xã hội.Một bài toán không có lời giải tuyệt đối, mà là bài toán tương đối cả về sau này. Bởi vậy, chắc chắn việc xây dựng đề án sẽ gặp phải những phản biện và nhiều ý kiến khác nhau. Do đó, chúng ta không nên vội vàng đưa ra các giá trị mà cần thêm nhiều bàn luận trao đổi ở phạm vi hẹp với các nhà khoa học, chuyên môn sâu để đi đến thống nhất cuối cùng.

Tại Hội thảo khoa học “Hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” vào ngày 31/5/2018, các phương án được đề xuất để lấy ý kiến:

- Hệ giá trị văn hóa Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.Phương án 1 gồm 4 giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, pháp quyền; Phương án 2 gồm 5 giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, pháp quyền, hòa hợp.

- Hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Phương án 1 gồm 5 giá trị: Yêu nước, trách nhiệm, kỷ luật, sáng tạo, trung thực; Phương án 2: gồm 7 giá trị: Yêu nước, trách nhiệm, kỷ luật, sáng tạo, trung thực, đoàn kết, nhân ái.

- Hệ giá trị Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.Phương án 1: gồm 8 giá trị, trong đó có 4 giá trị văn hóa và 4 giá trị con người: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, pháp quyền, yêu nước, trung thực, trách nhiệm, sáng tạo; Phương án 2: gồm 9 giá trị, trong đó có 5 giá trị văn hóa và 4 giá trị con người: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, pháp quyền, hòa hợp, yêu nước, trung thực, trách nhiệm, sáng tạo.

Minh Quế

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site