08:19 | 01/03/2016

Lễ hội Việt với mùa xuân

(LV) - Lễ hội là bức thông điệp từ quá khứ nguồn cội truyền nối tới các thế hệ hôm nay và mai sau.

Mùa xuân - mùa của lễ hội

Nước ta có khoảng trên 8.000 lễ hội và phần lớn được hình thành, phát triển trong các cộng đồng làng bản, thôn, buôn, phun sóc. Một số lễ hội đã phát triển lên quy mô vùng miền, địa phương, dân tộc và khu vực.

Ngày nay lễ hội, đặc biệt là lễ hội mùa xuân đã thực sự thu hút sự hưởng ứng tham gia của hầu khắp các cộng đồng dân cư các dân tộc, các địa phương ở các vùng miền đất nước. Đó là một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lành mạnh, phù hợp để không quên quá khứ, củng cố niềm tin vào những giá trị tốt đẹp được hun đúc từ ngàn đời, được phát huy trong đời sống hiện tại, để khát vọng hướng về tương lai.

Lễ hội như sức sống mùa xuân đất nước
Lễ hội như sức sống mùa xuân đất nước.

Lễ hội đã làm gia tăng khả năng giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng dân cư, các địa phương và vùng miền giúp con người mở rộng hiểu biết học hỏi được nhiều tri thức đồng thời cũng thưởng thức được nhiều giá trị văn hóa của vùng đất và con người nơi mình đến dự hội.

Đồng bào các dân tộc thiểu số có kho tàng lễ hội phong phú, mang bản sắc văn hóa cộng đồng. Các dân tộc Tày, Nùng, Thái, Mường... ở miền núi phía Bắc ngày xuân đậm đà nhất vẫn là lễ hội xuống đồng. Ở đó các nghi thức nông nghiệp truyền thống cội nguồn văn minh lúa nước được tái hiện cùng các trò chơi, trò diễn dân gian và ẩm thực dân tộc có cơ hội trăm hoa đua sắc. Vùng Trường Sơn - Tây Nguyên nô nức các lễ hội dâng trâu mừng mùa, cúng bến nước độc đáo với không gian văn hóa cồng chiêng... Đồng bào Khmer Nam Bộ có lễ hội Chôl Chnăm Thmây với trò đua ghe ngo, biểu diễn nghệ thuật truyền thống và trưng bày văn hóa ẩm thực độc đáo phương Nam... Đồng bào Chăm miền Trung có lễ hội Katê, đồng bào Mông miền Bắc có lễ hội Gầu Tào đều là những lễ hội độc đáo vừa hấp dẫn cộng đồng dân cư vừa có sức hút du khách phương xa tới.

Để lễ hội như mùa xuân của đất nước

Lễ hội là tài nguyên du lịch nhân văn cực kỳ quý giá, là điểm đến lý tưởng, là sản phẩm du lịch độc đáo cho mọi thế hệ, mọi thành phần du khách. Phát huy giá trị của lễ hội gắn với phát triển kinh tế là yêu cầu đặt ra, là nhiệm vụ của nhiều ngành, nhiều địa phương và cơ sở.

Thấm đẫm bản sắc văn hóa buôn làng
Thấm đẫm bản sắc văn hóa buôn làng...

Sự thành bại của một lễ hội không chỉ liên quan đến nhà tổ chức và quản lý lễ hội mà phụ thuộc lớn vào thái độ ứng xử của người đi xem hội, dự hội. Lễ hội là sản phẩm của cộng đồng, dành cho cộng đồng, chỉ có sự tham gia của cộng đồng mới trở thành lễ hội. Chính vì thế, người đi dự hội phải có hiểu biết và ứng xử đúng với hoạt động của lễ hội với tinh thần tâm sáng lòng thành. Trước hết, người đi hội phải có ý thức bảo tồn di sản văn hóa và chấp hành các quy định, quy ước có liên quan tới lễ hội. Tôn trọng hòa nhập với cộng đồng lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng, giữ gìn nét đẹp văn hóa lễ hội sẽ là sự đóng góp vào thành công lễ hội.

Những lợi ích thu về từ lễ hội, nhất là lợi ích về kinh tế cũng cần được đầu tư vào mục đích tái tạo lễ hội tu bổ di tích và phát triển cộng đồng. Đừng coi là tiền chùa mà để lỗ hà ra lỗ hổng và bị lợi dụng, bòn rút hoặc tùy tiện sử dụng sai nguyên tắc tài chính. Có như thế mới góp phần làm cho lễ hội trở nên thanh cao, trong sáng, không phụ lòng quá khứ, không mất lòng hiện tại còn để lại tài lộc cho tương lai.

Nên hiểu rằng lễ hội là phúc, là lộc của cha ông để lại cho muôn đời con cháu. Nếu bảo tồn phát huy tốt lễ hội sẽ mang lại nhiều lợi ích vô giá. Nếu để mất mát phai nhạt, biến dạng, bị lợi dụng thì tác hại cũng khó lường. Khai thác các yếu tố tích cực của lễ hội mùa xuân góp phần vào tăng trưởng và phát triển là thách thức mới của thời kì hội nhập. Làm sao để lễ hội phát huy được mọi giá trị nội dung cùng với thu hút nguồn ngoại lực đầu tư hỗ trợ nhằm khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch văn hóa nhân văn quý báu này trong những năm tới? Làm thế nào để lễ hội góp phần quảng bá tôn vinh, giới thiệu hình ảnh quê hương đất nước con người và nền văn hóa Việt Nam ra thế giới? Đó vẫn còn là đòi hỏi chính đáng cần làm ngay trong dịp hội xuân này.

… nơi gắn kết cộng đồng
… nơi gắn kết cộng đồng.

Lễ hội mùa xuân đất Việt dường như đang gióng giả hồi chuông cảnh báo về đảm bảo sự hài hòa giữa khôi phục và bảo tồn, giữa bảo tồn và phát huy, giữa phát huy và phát triển, giữa vấn đề bản sắc dân tộc với yếu tố hội nhập trong xu thế toàn cầu hóa và đa dạng văn hóa đang chuyển động chóng mặt hiện nay.

Lễ hội mùa xuân đất Việt từ trong sâu thẳm tâm hồn người Việt vẫn vang lên khúc nhạc làm cho lễ hội thấm đẫm bản sắc văn hóa làng buôn, văn hóa tộc người, văn hóa địa phương, văn hóa vùng miền đất nước. Để lễ hội không mai một phai mờ, không biến dạng mà mãi mãi tỏa sáng trong đời sống xã hội như sức sống của mùa xuân đất nước.

Ngô Quang Hưng

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên  
Email    
Tiêu đề  


Captcha
Mã xác nhận  
Phản hồi  
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site