15:36 | 08/12/2014

Dân tộc La Chí

(LV) - Cũng như các dân tộc khác trong cộng đồng 54 dân tộc anh em, người La Chí còn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc của dân tộc được thể hiện qua sinh hoạt hàng ngày như trang phục, lễ hội, một số hủ tục đang dần được uốn nắn để nhanh chóng hòa đồng và thích ứng với sự phát triển chung của đất nước hiện nay...

>>> Lễ hội Tăm Khảu Mảu dân tộc Thái Yên Bái 

>>> Chiếc khố - Dấu ấn cội nguồn 

Dân tộc La Chí sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng nước. Họ là những người có công khai phá và làm ruộng bậc thang, trồng lúa nước trên các sườn đồi ở Hoàng Su Phì, Xín Mần (Hà Giang)... Ngoài trồng lúa đồng bào còn trồng chàm và trồng bông. Họ chăn nuôi các loại gia xúc, gia cầm như: Nuôi trâu vừa để kéo cày, vừa làm vật tế thần; lợn gà để ăn trong dịp trong các dịp lễ tết và cúng bái. Nghề thủ công của người La Chí nổi tiếng là dệt và đan lát.

Thiếu nữ La Chí
Thiếu nữ La Chí.

Người La Chí sống định cư thành từng làng nhỏ. Làng dựng gần các khe nước, trên các sườn đồi. Nhà của mỗi gia đình là một quần thể kiến trúc gồm: Nhà sàn - nhà trệt - kho thóc trong một phạm vi không gian hẹp. Mỗi nhà gồm 2 phần, mái nhà được lồng vào nhau. Phần nhà sàn để ở, còn phần nhà trệt là nơi làm bếp. Ngôi nhà chỉ có một cầu thang lên xuống ở gần phía giáp nhà trệt. Nguyên liệu làm nhà là gỗ, tre, đất. Nhà có 3 gian, bàn thờ đặt ở gian giữa nửa sát vách sau. Đồng bào có tục lệ khi lên ở nhà mới phải nhờ thầy cúng về cúng xua đuổi tà ma và bếp phải đỏ lửa trong suốt 13 ngày thì mới gặp may mắn.

Trang phục của người La Chí làm bằng vải bông, nhuộm màu chàm. Trước đây, nam giới mặc áo dài 5 thân, xẻ trước ngực chéo sang bên phải, cài khuy dưới nách phải. Nay họ mặc áo ngắn, xẻ ngực. Phụ nữ mặc áo tứ thân xẻ ngực, yếm thêu, thắt lưng bằng vải. Chị em trước đây hay mặc váy, nay mặc quần; trên đầu đội khăn cũng bằng vải chàm. Đồ trang sức có khuyên tai, vòng tay bằng bạc.

Người La Chí theo chế độ phụ quyền, phụ hệ. Người cha có quyền quyết định mọi công việc trong gia đình và con trai được hưởng quyền thừa kế tài sản của bố mẹ để lại.

Hôn nhân của người La Chí là hôn nhân một vợ một chồng và cư trú bên nhà chồng. Trong lễ cưới của người dân tộc La Chí, khi đón dâu về tới chân cầu thang nhà sàn, nhà trai chuẩn bị sẵn một thùng nước ấm để người phù dâu rửa chân cho cô dâu và rửa chân mình trước lúc bước lên cầu thang vào nhà.

Tín ngưỡng của dân tộc La Chí là tín ngưỡng thờ đa thần: Thờ tổ tiên và các thần linh. Tổ tiên được thờ cúng 3 đời và chỉ cúng chung vào các dịp lễ tết. Đồng bào có tục không gieo trồng, cho vay của vào ngày chôn bố mẹ chết. Thần linh được thờ trong miếu của làng là Hoàng Dìn Thùng (tức Hoàng Văn Đồng) như một thành hoàng làng. Trước đây được cúng hàng năm, nay khoảng 10 – 15 năm cúng một lần. Lễ vật cúng phải có bò, do cả làng đóng góp tiền để mua.

Ngôi nhà của người La Chí tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam  Ảnh: TTD
Ngôi nhà của người La Chí tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam Ảnh: TTD.

Người La Chí còn có một lễ hội rất độc đáo, đó là lễ hội thờ thần cây đa cổ thụ ở trong làng được tổ chức vào ngày 2/2 hàng năm, vì họ quan niệm cây cổ thụ đó là tổ tiên của người La Chí.

Hàng năm, người La Chí có nhiều ngày lễ định kỳ tính theo âm lịch. Lễ xin thóc giống cho cả bản, lễ mở kho gọi hồn thóc giống, lễ mừng cày cấy xong, tết tháng Bảy, hội lễ cơm mới, lễ đưa hồn lúa về nhà, tết Nguyên đán… Trong đó Tết tháng Bảy là tết lớn nhất và vui nhất. Cứ đến dịp Tết tháng bảy, họ lại đi tảo mộ, nhà nào cũng mổ trâu để cúng giỗ tổ tiên. Trong nhà treo đầy thịt trâu khô, da trâu khô trên gác bếp, mặc dù ngày nay đời sống cũng đã có nhiều thay đổi, song người La Chí vẫn giữ nguyên các tập tục này.

Dân tộc La Chí có nền văn học dân gian phong phú. Do trước đây ít người biết chữ nên văn hóa dân gian là truyền miệng. Đồng bào có những chuyện cổ tích, thần thoại lý giải về nguồn gốc con người, nguồn gốc dân tộc, những chuyện về nguồn gốc mặt trời, mặt trăng, cây lúa đến sự tích các lễ tết, hội hè, như: Truyện củ gừng cúng tổ tiên, truyện xin con giống…

Người La Chí không có nhiều loại nhạc cụ như những dân tộc anh em láng giềng, nhưng do quá trình cộng cư lâu dài, ngày nay dân tộc La Chí cũng sử dụng đàn (tính tẩu ba dây) của người Tày - Nùng để chơi trong những dịp lễ tết và hội hè. Người con trai La Chí dùng một chiếc lá mỏng ngậm vào môi rồi thổi thành tiếng để hẹn hò với những cô gái trong bản. Đàn lá được coi như là công cụ để những chàng trai bày tỏ tình cảm với người con gái mình yêu. Trống, chiêng, thanh la, não bạt được sử dụng nhiều trong các nghi thức lễ tết như tế cầu mùa tháng 7 và trong những nghi lễ tang ma.

Vào các dịp lễ tết, người La Chí có rất nhiều trò chơi dân gian như: Ném còn, đánh đu, đu thăng bằng, đu dây, trẻ em thích chơi ống phốc, trai gái thích hát ní ca, chơi đàn tính, đánh trống, chiêng…

Dân tộc La Chí có tên tự gọi là Cù Tê. Ngoài ra, họ còn có tên gọi khác là Thổ Đen, Mán La Chí, Xá…

Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Ka Đai thuộc ngữ hệ Thái - Ka Đai.

Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê qua kết quả điều tra dân số năm 2009, dân tộc La Chí ở Việt Nam có 13.158 người, cư trú tập trung tại tỉnh Hà Giang (12.072 người, chiếm 91,7% tổng số người La Chí tại Việt Nam), ngoài ra còn có tại Lào Cai, TP. Hồ Chí Minh, Tuyên Quang…

Phương Linh


Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site