19:50 | 14/01/2015

Dân tộc Sán Dìu

(LV) - Người Sán Dìu đã sáng tạo một nền văn hóa có bản sắc riêng biệt, thể hiện qua ngôn ngữ, phong tục tập quán, ý thức tự giác dân tộc… Ðến nay, nền văn hóa đó về cơ bản vẫn được gìn giữ, song đang đứng trước nguy cơ mai một.

>>> Hương nếp người Mông

>>> Phiên chợ đặc biệt ngày đầu năm 

Người Sán Dìu có nghề truyền thống làm ruộng nước từ lâu đời và sản xuất trên nương rẫy được coi là vị trí thứ hai trong trồng trọt cây lương thực. Ngoài các loại cây trồng thường thấy ở nhiều vùng như lúa, ngô, khoai, sắn... họ còn trồng nhiều cây có củ. Bên cạnh đó, họ còn chăn nuôi gia súc, gia cầm, khai thác lâm sản làm một số nghề thủ công như đan lát, nghề mộc, nghề rèn, làm gạch ngói… Một số địa phương có nghề trồng dâu, nuôi tằm, sản xuất muối (Quảng Ninh).

Người Sán Dìu cư trú thành từng làng nhỏ, thường ở nhà trệt, mái lợp rạ hoặc tranh, ngói, tường trình đất hay xây gạch mộc. Trong nhà, người cha là chủ gia đình, con theo họ cha, con trai được hưởng gia tài.

Trang phục truyền thống của phụ nữ gồm khăn đen, áo dài (đơn hoặc kép), nếu là áo kép thì bao giờ chiếc bên trong cũng màu trắng còn chiếc bên ngoài màu chàm dài hơn một chút; yếm màu đỏ; thắt lưng màu trắng, hồng hay xanh lơ; váy là hai mảnh rời cùng chung một cạp, chỉ dài quá gối có màu chàm; xà cạp màu chàm; xà cạp màu trắng. Ðồ trang trí gồm vòng cổ, vòng tay, hoa tai và dây xà tích bằng bạc. Phụ nữ Sán Dìu thường nhuộm răng đen. Ðàn ông mặc quần áo bình thường như những dân tộc khác, trong các dịp lễ tết, lễ hội, họ thường mặc áo the, khăn xếp.

Người Sán Dìu thờ cả Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo. Mỗi bản đều có ngôi miếu nhỏ thờ các vị thần thành hoàng thổ địa, thần sông, thần núi. Trong các hộ gia đình Sán Dìu chủ yếu vẫn thờ tổ tiên ba bốn đời. Trên bàn thờ thường đặt ba bát hương thờ tổ tiên, pháp sư và táo quân. Nếu chủ nhà chưa được cấp sắc thì chỉ có hai bát hương. Những người mới chết chưa kịp làm ma cũng đặt bát hương lên bàn thờ nhưng để thấp hơn. Lễ cúng tổ tiên tổ chức vào Tết Nguyên Ðán, rằm tháng Giêng, Tết Thanh minh (tháng 3 Âm lịch). Ngoài ra, người Sán Dìu còn có các tết Ðoan Ngọ (5/5), lễ Vu Lan (14/4) và Tết Ðông Chí (giữa mùa đông) vào dịp tháng 11 (Âm lịch).

Gia đình của người Sán Dìu là gia đình nhỏ phụ hệ, con trai được coi trọng hơn con gái. Khi con trai lớn lên, người Sán Dìu mong muốn cho con trai được học nghề cúng với quan niệm cho rằng khi được cấp sắc trở thành thầy cúng, ma tà không dám làm hại, hơn thế còn trừ được ma tà, bảo vệ được người thân và làm ăn có uy tín trong cộng đồng và sau khi chết sẽ được cả dòng họ thờ cúng mãi mãi.

Trong hôn nhân, nam nữ được tự do yêu nhau, nhưng để tiến tới hôn nhân họ lại tuỳ thuộc vào “số mệnh” và sự quyết định của cha mẹ. Thiếu một trong hai điều kiện trên thì không thể tổ chức đám cưới. Hôn nhân truyền thống được thực hiện theo nguyên tắc ngoại hôn dòng tộc, hôn nhân một vợ một chồng. Ðiều đặc biệt trong nghi lễ cưới của dân tộc Sán Dìu là tại nhà gái có lễ khai hỏa tửu trước hôm cô dâu về nhà chồng.

Người Sán Dìu có nghi lễ tang ma khá đặc biệt. Sau khi thi hài hạ huyệt, các con đẻ đều phải bò một vòng trên miệng huyệt. Con trai bò bên trái, con gái bò bên phải, bắt đầu bò từ dưới chân lên phía đầu. Vừa bò vừa xô đất lấp áo quan.

Dân tộc Sán Dìu có một vốn văn nghệ dân gian phát triển phong phú, đa dạng. Thể loại văn học dân gian rất phổ biến và được các thế hệ ưa thích là phong tục hát ví Soọng Cô. Soọng Cô thường được thanh niên nam nữ cất lên khi có những cuộc vui cưới xin, lễ hội, Tết mùa xuân… Không chỉ thanh niên chưa lập gia đình, mà cả những người đã có gia đình cũng tích cực giúp đỡ lớp trẻ thi tài đối đáp. Lời hát thể hiện tình yêu thương giữa con người với cảnh vật thiêng liêng, cách tỏ tình trong sáng, cao thượng, linh hoạt, bong bẩy. Nhiều bài hát chúc mừng đám cưới với một lời ví von tinh tế chúc mừng cô dâu, chú rể, chào đón khách… thể hiện phong tục tập quán tốt đẹp của người Sán Dìu.

Ngoài hát ví Soọng Cô, người Sán Dìu còn có cả một kho tàng chuyện kể, chủ yếu là chuyện thơ khá đặc sắc. Các điệu nhảy múa thường xuất hiện trong đám ma. Nhạc cụ có tù và, khèn, trống, thanh la, sáo, não bạt… nhằm phục vụ nghi lễ tôn giáo. Nhiều trò chơi dân gian được đồng bào ưa thích là đi cà kheo, đánh khăng, đánh cầu lông kiểu Sán Dìu, kéo co…

Ðể các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Sán Dìu được lưu giữ và phát triển một cách bền vững, thiết nghĩ các cấp, các nghành cùng với chính quyền địa phương, mỗi người dân Sán Dìu nói riêng và cộng đồng người Sán Dìu nói chung cần nâng cao ý thức tôn trọng nền văn hóa của mình, cần tôn trọng phong tục tập quán, những thuần phong mỹ tục để tạo điều kiện khuyến khích đồng bào gìn giữ và phát huy tốt vốn văn hóa truyền thống của dân tộc mình, tăng cường các hình thức giáo dục văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ, xây dựng cuộc sống mới no ấm.

- Dân tộc Sán Dìu còn có tên gọi khác là Sán Déo, Trại, Trại Ðất, Mán Quần cộc, Mán Váy xẻ...

- Tiếng nói thuộc nhóm ngữ hệ Hán - Tạng.

- Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Sán Dìu ở Việt Nam có dân số 146.821 người, cư trú chủ yếu ở vùng chân núi các tỉnh từ Quảng Ninh qua Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, đến Tuyên Quang.


Phương Linh
Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site