17:48 | 06/02/2017

Giảm bạo lực vì một mùa lễ hội an lành

(LV) - Việc chấn chỉnh những lễ hội còn phản cảm, bạo lực đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo quyết liệt trước mùa lễ hội 2017 với mong muốn đảm bảo một không khí tươi vui, phấn khởi trong nhân dân trước thềm năm mới, một mùa lễ hội an lành.

>>> Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh 

Bộ kiên quyết chấn chỉnh

Theo thống kê gần 8.000 lễ hội ở nước ta hiện nay, trên 88% là lễ hội dân gian, được diễn ra ở hầu hết các làng xã với các quy mô, hình thức hết sức đa dạng, thu hút sự tham gia của nhân dân ở hầu khắp các địa phương trong cả nước, thậm chí nhiều du khách quốc tế cũng quan tâm tìm hiểu, như: Lễ hội Đền Hùng, lễ hội Chùa Hương, lễ hội Đền Trần, lễ hội Phủ Dày, lễ hội Côn Sơn-Kiếp Bạc, lễ hội Yên Tử, lễ hội Đền Bà Chú Kho, lễ hội Núi Bà Đen, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam, lễ hội Katê, lễ hội Chol Thnăm Thmây... đến những lễ hội có quy mô chỉ trong một làng, một bản, thậm chí chỉ trong một dòng họ, như lễ hội Làng Ném Thượng, lễ hội cúng Rừng, lễ hội cúng Bến Nước, lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; lễ hội Xuống đồng của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng; lễ hội dòng họ Mùa dân tộc Mông (Điện Biên). Lễ hội dân gian diễn ra quanh năm, tập trung nhiều nhất vào mùa xuân - dịp năm mới với mật độ dày đặc và ở hầu khắp các địa phương trong toàn quốc.

Đông đảo du khách thập phương tham gia lễ hội chùa Bái Đính
Đông đảo du khách thập phương tham gia lễ hội chùa Bái Đính. Ảnh: Ninh Mạnh Thắng

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều lễ hội được tổ chức tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân, cũng còn một số lễ hội mang tính bạo lực, phản cảm. Để chấn chỉnh việc này, Ban Bí thư đã có Chỉ thị 41- CT/TW ngày 05 tháng 02 năm 2015 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Công điện số 229/CĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Công điện số 2313/CĐ-TTg ngày 17/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Bính Thân và Lễ hội Xuân 2016.

Ngay từ tháng 1/2016, Bộ VHTTDL đã ban hành Chỉ thị 04/ CT-BVHTTDL Về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội năm 2016 trong đó nêu cụ thể 6 điểm hướng dẫn các địa phương thực hiện trong tổ chức, quản lý lễ hội. Văn bản này, đến tháng 11/2016 lại một lần nữa được gửi đến tất cả các địa phương trong cả nước.

Ngoài ra Bộ VHTTDL cũng đã chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, tìm ra phương án tổ chức hài hòa, vừa đảm bảo yếu tố truyền thống vừa đảm bảo văn minh lễ hội. Bộ VHTTDL chỉ đạo các địa phương nghiên cứu ngay từ giữa năm, lên phương án cho mùa lễ hội năm 2016, lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) đã không còn hiện tượng chém lợn giữa sân đình là hiệu quả của việc chỉ đạo này.

Đối với lễ cầu trâu và cướp phết tại Phú Thọ, từ đầu tháng 11/2016, Bộ VHTTDL đã cùng với cơ quan quản lý địa phương, các nhà khoa học và nhân dân bàn cách tổ chức sao cho hài hòa, đảm bảo tính tôn nghiêm của nghi thức, đúng truyền thống, tránh phản cảm.

Truyền thông cần cái nhìn nhân văn

Sự chuyển biến trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong những năm qua ngày một rõ rệt. Bên cạnh sự chỉ đạo sát sao từ Trung ương, còn có sự nhập cuộc một cách quyết liệt của các địa phương.

Năm 2016, cảnh chém lợn ở Ném Thượng (Bắc Ninh) đã không tái diễn. Nhiều địa phương cũng đã bỏ nghi thức đâm trâu trong lễ hội truyền thống như tại Huế, Đắk Lắk, Nghệ An…

Tuy nhiên, việc phản ánh và truyền thông về những mặt tốt của lễ hội dường như ít được truyền thông đề cập. Theo đánh giá của bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, trong những năm qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã rất quan tâm, tích cực vào cuộc, phản ánh và kịp thời phát hiện những biểu hiện lệch lạc, những hành xử thiếu văn minh trong lễ hội. Nhưng thông tin về lễ hội trên các phương tiện truyền thông đang có biểu hiện một chiều, thiếu khách quan, chân thực, chưa phản ánh đúng tinh thần lễ hội, thậm chí quá tập trung xoáy vào những mặt trái, khai thác tối đa những biểu hiện tiêu cực (dù chỉ là những biểu hiện diễn ra trong một khoảnh khắc ngắn ngủi), với những cụm từ giật gân như: “hỗn chiến”, “tranh cướp lộc”, “vung dao”, “man rợ”, “phản cảm”… Có rất ít bài viết, thước phim phản ánh những chuyển biến tích cực của hoạt động lễ hội, rất ít các cụm từ như: “trang nghiêm”, “thành kính”, “ngăn nắp”, “văn minh”, “trật tự”… được đề cập đến, gây cảm giác hoang mang, lo lắng trong dư luận về một bức tranh chỉ toàn mảng tối của hoạt động lễ hội.

Ảnh: Minh Đức

Nhiều nhà nghiên cứu cũng đồng thuận với ý kiến này và cho rằng, trên thực tế, hoạt động lễ hội có rất nhiều nội dung, nhiều cách tiếp cận để khai thác, phản ánh mặt tích cực của lễ hội như: tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân hiểu về ý nghĩa truyền thống, giá trị nhân văn của lễ hội; các mô hình quản lý, tổ chức lễ hội hiệu quả trên địa bàn cả nước, so sánh để thấy những chuyển biến tích cực trong công tác tổ chức lễ hội ở các địa phương, một mặt để định hướng nhận thức cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về ý nghĩa cao đẹp của lễ hội, mặt khác làm cầu nối thông tin giữa người tổ chức và người tham gia lễ hội để hoạt động lễ hội trở thành hoạt động văn hóa tinh thần lành mạnh của cộng đồng.

Hạ Vân

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site