12:00 | 18/09/2020

Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà Văn hoá kiệt xuất của nhân loại.

(LV) - Năm nay, toàn Đảng, toàn dân ta kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (2/9) là sự kiện mang tầm vóc thời đại, mở ra một trang sử mới vô cùng rạng rỡ trong quá trình dựng nước và giữ nước của nhân dân Việt Nam. Những ngày này chúng ta lại càng nhớ về Hồ Chí Minh - Người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá kiệt xuất của nhân loại.

Trong suốt 24 năm (1945 - 1969) giữ cương vị Chủ tịch nước Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng chăm lo xây dựng và hoàn thiện nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Với những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tại kỳ họp lần thứ 24 (03/1997) Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hoá của Liên hiệp quốc (UNESKO) đã thông qua Nghị quyết về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong năm 1990 và tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất của nhân loại”. Người tượng trưng cao đẹp cho cốt cách văn hoá dân tộc và kết tinh những giá trị văn hoá dân tộc với tinh hoa văn hoá nhân loại.

Hàng nghìn người vào Lăng viếng Bác nhân dịp mùng 2/9
Hàng nghìn người vào Lăng viếng Bác nhân dịp mùng 2/9

Trong quá trình hình thành danh nhân văn hoá Hồ Chí Minh, Người đã là hiện thân cho nền văn hoá tương lai; Những năm bôn ba ở nước ngoài, qua nhiều nước châu Âu, Phi, Mỹ la tinh và châu Á, Hồ Chí Minh đã mở rộng tri thức của mình, thông hiểu nhiều ngoại ngữ và tiếp thu được những giá trị tinh thần, tư tưởng nhân đạo của nhiều nền văn hoá cổ kim đông tây. Người vừa lao động, học tập, vừa viết báo, viết kịch, làm thơ, trải nghiệm cuộc sống của các tầng lớp nhân dân và qua thực tiễn đấu tranh cách mạng.

Trong con mắt bạn bè, vào thời đó có người đã nhận xét: “Từ Nguyễn Ái Quốc toả ra một thứ văn hoá mới, có thể là văn hoá của tương lai”. Và thật sự, Người đã là hiện thân cho khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người đã đưa ra những quan điểm xây dựng nền văn hoá mới Việt Nam, Người rất coi trọng các vấn đề về văn hoá xã hội, coi đó là một nội dung rất cơ bản của chiến lược con người “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Diễn văn khai mạc Hội nghị toàn quốc ngày 24/11/1946 Hồ Chí Minh nêu rõ: Văn hoá phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập tự do và văn hoá phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại độc lập tự do, giành lại cho nhân dân quyền sống của con người và cuộc sống ấm no hạnh phúc. Trong những năm kháng chiến, Người hết sức coi trọng vấn đề kiến quốc, xây dựng đời sống mới “Công cuộc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân”. Mọi công việc lúc bấy giờ đều mới do vậy “Chúng ta vừa làm vừa học, vừa học vừa làm”.

Đi đôi với chống giặc đói và chống giặc ngoại xâm, Người chủ trương phát triển văn hoá, nâng cao dân trí, trước hết là xoá nạn mù chữ, mọi người đều phải biết đọc, biết viết. Người xác định văn hoá là đời sống tinh thần của xã hội, phải làm cho “Văn hoá đi sâu vào tâm lý quốc dân”; vào cuộc sống mới “Văn hoá phải sửa đổi tham nhũng, lười biếng, xa xỉ. Văn hoá phải làm thế nào cho mọi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà, ai cũng hiểu được nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc của mình mà mình nên được hưởng”. Và “Để xây dựng những tình cảm lớn như lòng yêu nước, tình yêu thương con người, yêu cái chân, cái thiện, cái mỹ, yêu thích tính trung thực, chân thành, thuỷ chung, ghét những thói hư tật xấu, những xa đoạ biến chất, căm thù mọi thứ “giặc nội xâm”.

Phố phường rực rỡ ngày Quốc khánh 2/9
Phố phường rực rỡ ngày Quốc khánh 2/9

Hồ Chí Minh là hình mẫu cao đẹp của con người mới trong thời đại mới, một tấm gương mẫu mực về đổi mới và sáng tạo không ngừng. Người cho rằng “Cần phải có tinh thần sáng tạo, phải tìm tòi cái mới, thể hiện cái mới thì việc gì cũng làm được”; Để nâng cao dân trí “Chúng ta phải biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hoá cao và đời sống tươi vui hạnh phúc, nâng cao dân trí bắt đầu từ việc xoá nạn mù chữ, chống giặc dốt, nâng cao trình độ, kết hợp phổ cập với nâng cao, biến nước ta thành một nước văn hoá cao”.

Hồ Chí Minh là một con người nhân ái, vị tha. Người là hiện thân rực rỡ của đạo đức “Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Người không chỉ là kết tinh tinh hoa của một dân tộc mà là kết hợp tinh hoa của nhiều thế hệ của nhân loại. Đó là văn hoá tình nghĩa, tinh thần nhân văn, sự khoan dung, hoà nhập cộng đồng, lối sống và cách ứng xử tinh tế.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá rất toàn diện, phong phú và sâu sắc. Người luôn chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hoá dân tộc, luôn coi trọng các vấn đề về văn hoá xã hội, đặc biệt là coi trọng chiến lược con người và phải đặt lên vị trí hàng đầu vấn đề giáo dục và khoa học kỹ thuật, phát triển văn hoá, nâng cao trình độ văn hoá của toàn dân.

Cùng với chăm lo phát triển văn hoá, Hồ Chí Minh cũng luôn chăm lo gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Theo Hồ Chí Minh, văn hoá dân tộc và văn hoá nhân loại quan hệ chặt chẽ với nhau. Cần phát huy văn hoá dân tộc, bản sắc văn hoá dân tộc và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại. Nâng cao đời sống vật chất và văn hoá nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Trên cơ sở đó xây dựng con người, lối sống văn hoá cùng với việc xây dựng đời sống văn hoá và môi trường văn hoá lành mạnh.

Hồ Chí Minh rất coi trọng phong trào thi đua yêu nước và việc lấy gương người tốt, việc tốt hàng ngày để giáo dục lẫn nhau. Thông qua phong trào thi đua yêu nước, tích cực phòng chống các tệ nạn xã hội, chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống thực dụng, vô cảm đồng thời phát huy những giá trị đạo đức trong sáng, những mặt tích cực và bản sắc văn hoá dân tộc để vững vàng phát triển đất nước.

Tết Độc lập năm 1969, mặc dù Bác Hồ đang ở trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời, nhưng Bác vẫn nghĩ cho đất nước và nhân dân. Trước tình hình lũ lụt ở Miền Bắc đang dâng cao, Người kiên quyết không di tản theo đề nghị của Trung ương mà ở lại Thủ đô Hà Nội với mong muốn được gặp nhân dân trong ngày Quốc khánh. Bác căn dặn: Các đồng chí phải tổ chức một buổi lễ long trọng, bắn pháo hoa để người dân phấn khởi, hân hoan. Thế nhưng mong muốn của Người “Ngày lễ Quốc khánh Bác sẽ ra dự mươi, mười lăm phút” đã không trở thành hiện thực. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi, về với thế giới người hiền vào lúc 9h47 ngày 2/9/1969; trong niềm tiếc thương vô hạn của cả dân tộc và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”.

Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm tiếp tục gìn giữ, phát huy những giá trị văn hoá dân tộc, khắc phục những thiếu hụt của văn hoá truyền thống, tạo ra những giá trị của nền văn hoá tương lai, hoàn thiện nhân cách, hướng tới chân thiện mỹ góp phần xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014( Khoá XI) với mục tiêu Dân giàu, nước mạnh xã hội dân chủ công bằng và văn minh, như mong ước của Người.

Phú Thọ

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site