05:32 | 26/02/2015

Khi “Làng” thực sự là “Mái nhà chung”

(LV) - Trong tâm khảm của đồng bào các dân tộc Việt Nam, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam không chỉ là một trung tâm du lịch văn hóa lớn, mang tầm quốc gia, mà đặc biệt hơn, đó còn là “Mái nhà chung” thân thiết, nơi mà mỗi khi trở về, họ được sống và hoạt động trong chính những không gian văn hóa thường nhật của mình.

>>> Hội Xuân dân tộc Tết Ất Mùi 2015 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam 

Mong được về với “Làng”

Đã thành một thói quen khó cưỡng, cứ mỗi lần rảnh rỗi, tôi lại tranh thủ về với “Làng” để được lang thang ven hồ Đồng Mô thơ mộng hay sải bước trên những triền đồi quanh những “bản làng”, những “phum sóc”… xinh xắn của đồng bào các dân tộc anh em trên khắp mọi miền Tổ quốc. Và mỗi lần như thế, cảm giác về sức sống của “Mái nhà chung” - thứ cảm giác mà tôi vẫn thường gọi đùa là “54 trong 1” ấy dường như lại đầy đặn hơn, sống động và mạnh mẽ hơn.

Lần này trở lại, thật may mắn đúng vào dịp “Làng” đang chuẩn bị cho Phiên chợ vùng cao phía Bắc. Không khí rộn ràng của phiên chợ đặc biệt ấy đã làm ấm lòng du khách, xua tan đi cái lạnh như cắt da cắt thịt của ngày cuối đông Hà Nội. Phải lắm, “Làng” đang thực sự chuyển mình từng thời khắc, trong từng nụ đào phai đang e ấp chờ ngày xuân nở rộ, trong dòng nhộn nhịp của du khách thập phương và nhất là trong cái hồn mà chính đồng bào các dân tộc về đây đã thổi vào từng ngôi nhà, từng mái tranh, vỉa ngói. Anh Hầu Mí Trỏ, dân tộc H’Mông Xín Mần, Hà Giang, vừa chắt bát rượu ngô thơm lừng đãi khách vừa hồ hởi nói: “Cũng y như chợ quê mình, như nhà mình thôi, phấn khởi lắm, mong phiên chợ tới lại được về với Làng”.

Đâu chỉ là anh Trỏ, hay những đồng bào có mặt trong phiên chợ hôm nay có mong mỏi ấy, mà có lẽ được về với “Mái nhà chung” là nguyện vọng thiết tha của đông đảo đồng bào các dân tộc. Em H’Dar Niê, dân tộc Ê Đê (Đắk Lắk) tâm sự: “Từ ngày mở cổng Làng, năm nào em cũng xin được ra Hà Nội tham gia hoạt động ở Làng, về với Làng như về với nhà của mình vậy, xa Làng thấy nhớ lắm”. Còn anh Sung Văn Lâu, dân tộc H’Mông, cán bộ làm công tác dân tộc ở Thanh Hóa khi tham quan Làng cho biết: “Mình đến đây lần đầu, đẹp lắm, mong một ngày người H’Mông Mường Lát quê mình cũng sẽ được đến hoạt động ở đây”.

Cùng vun đắp cho “Mái nhà chung”

Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, luôn tôn trọng vai trò của chủ thể văn hóa. Ngay từ khâu thiết kế, xây dựng đến khai thác vận hành đều có sự tham gia của cộng đồng các dân tộc. Điều đó khẳng định vai trò và trách nhiệm của đồng bào trong việc chung tay xây dựng và phát triển “Mái nhà chung” của mình ngày một thêm phát triển, thực sự là điểm đến hấp dẫn du khách bốn phương, vừa gìn giữ vừa phát huy được những nét đẹp văn hóa độc đáo của mình trong sự thống nhất và đa dạng của văn hóa dân tộc.

Tôi vẫn nhớ mãi lời của nghệ nhân Lý Lết khi ông tham gia thiết kế và thi công Chùa Khmer ở Làng, vị nghệ nhân tâm huyết ấy vẫn thường nói, ông thấy người Khmer Nam Bộ quê ông trong mọi người và thấy các dân tộc anh em khác trong chính mình khi về với Làng. Và vì vậy, ông đã đem hết tâm sức và tài nghệ của mình để sáng tạo nên ngôi chùa độc đáo, đậm chất Khmer Nam Bộ ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội, với mong muốn đóng góp chút sức mình cho Mái nhà chung, cho sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Còn nhớ cách đây chưa lâu, trong lễ khai trương Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đông đảo đồng bào các dân tộc anh em đã nắm chặt tay nhau nguyện cùng chung tay xây dựng Làng trở thành một trung tâm du lịch văn hóa hàng đầu cả nước, thành “Mái nhà chung” thân yêu của mình, thực hiện di nguyện của Bác Hồ kính yêu: Đồng bào các dân tộc Việt Nam chúng ta “sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”. Và tình đoàn kết gắn bó keo sơn của cộng đồng các dân tộc anh em trong đại gia đình dân tộc Việt Nam thêm một lần nữa được thể hiện sinh động trong mái ấm đặc biệt ấy. Ngày hôm nay, với sự phát triển của Làng, dẫu còn nhiều khó khăn, thử thách, song có một điều chắc chắn rằng, “Mái nhà chung” đã, đang và sẽ mãi được chính bàn tay, khối óc của đồng bào các dân tộc Việt Nam chung tay vun đắp.

Hồ Nam Trân

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site