21:40 | 16/02/2018

Du Xuân tại “Ngôi nhà chung”

(LV) - Mùa Xuân này, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam vẫn là điểm hẹn về du lịch - văn hóa hấp dẫn của du khách với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc. Sắc màu lễ hội mùa Xuân cùng với những di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam hội tụ tại “Ngôi nhà chung” sẽ đem đến những trải nghiệm lý thú cho du khách.

>>> Hội Xuân dân tộc Tết Ất Mùi 2015 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Khám phá những di sản phi vật thể đặc sắc

Không một khu văn hóa - du lịch nào lại hội tụ những di sản kiến trúc truyền thống, đậm màu sắc dân gian của 54 dân tộc như “Ngôi nhà chung”. Đến với “Làng”, du khách được mục sở thị những loại hình kiến trúc dân gian tiêu biểu, từ nhà rông, nhà dài, nhà mồ… của vùng Tây Nguyên đến nhà sàn, nhà trình tường… của các cộng đồng dân tộc Trung du, miền núi phía Bắc.

 

Tại làng dân tộc Ê Đê, ngoài những ngôi nhà dài truyền thống, du khách còn được chiêm ngưỡng bộ sưu tập các hiện vật quý của văn hóa Ê Đê do cố nghệ sỹ Y Moan sưu tầm và trao tặng. Những hiện vật có giá trị như: ghế k’pan và dàn chiêng đồng, trống cái da trâu (trống h’gơr), chiêng, ché... là những di sản quý báu, là biểu tượng chứa đựng giá trị văn hóa tiêu biểu của người Ê Đê.

Quần thể tháp Chăm - biểu tượng nền văn hoá, tôn giáo của dân tộc Chăm được xây dựng với tỷ lệ 1:1, tương đương với cụm tháp Po Klong Garai ở tỉnh Ninh Thuận và đây được coi là một trong những điểm nhấn trong tổng thể quy mô kiến trúc của Khu các Làng dân tộc III - điểm đến yêu thích của đông đảo đại biểu, du khách đến tham quan Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

 

Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, nơi gắn kết cộng đồng các dân tộc - điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế
Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, nơi gắn kết cộng đồng các dân tộc - điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, quần thể chùa Khmer tại "Làng" được xây dựng theo nguyên mẫu ngôi chùa K’Leang ở Đồng bằng sông Cửu Long - một tổng thể những công trình đặc sắc trong kiến trúc cũng như nền văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của dân tộc Khmer. Đây cũng là một trong những địa điểm thu hút đông đảo du khách đến với “Ngôi nhà chung”.

Chùa Pháp Ấn - ngôi chùa thờ Phật theo phái Bắc tông được xây dựng tại Khu các làng dân tộc IV đã được khánh thành thành giai đoạn I vào ngày 18/11/2017, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của du khách.

Những di sản quý báu này không chỉ đơn thuần là loại hình di sản vật thể mà chứa đựng trong đó cả những giá trị vô giá của di sản phi vật thể với những quan điểm, tín ngưỡng và sự kết tinh tri thức dân gian quý báu.

Những “báu vật” nhân văn sống

"Ngôi nhà chung" với những hoạt động của chính chủ thể văn hóa là nơi trình diễn, tái hiện các phong tục tập quán, lễ hội của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Đến với không gian của cộng đồng 11 Làng dân tộc (Tày, Dao, Mông, Thái, Mường, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer), du khách sẽ được chính chủ thể văn hoá giới thiệu về đặc trưng văn hóa dân tộc mình thông qua các hoạt động thường nhật, sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng. Chủ thể văn hóa vừa là người giới thiệu, vừa là người thực hiện hoạt động chế tác nhạc cụ, đan lát các dụng cụ sinh hoạt, chế biến các món ăn dân tộc và diễn xướng dân gian, truyền thống cũng như tổ chức tái hiện các lễ hội đặc sắc của mình.

Ghé thăm làng dân tộc Khmer, du khách sẽ được nghệ nhân Lâm Thị Hương (là 1 trong số các thành viên trong đoàn nghệ thuật Rô băm duy nhất kế thừa và lưu truyền hoạt động ở Sóc Trăng hiện nay) chào đón bằng những màn nghệ thuật vũ kịch Rô băm truyền thống.

Đến làng dân tộc Ê Đê, du khách được giao lưu với chủ thể văn hóa dân tộc Ê Đê - vợ chồng nghệ nhân Ama H’Loan (buôn Akô Dhông, TP. Buôn Ma Thuột. Mặc dù đã gần 80 tuổi, già Ama H’Loan vẫn say mê chế tác, diễn tấu nhạc cụ truyền thống của người Ê Đê để giới thiệu với du khách. Người vợ hiền của già cũng kề bên với công việc dệt thổ cẩm và say sưa với làn điệu Aray truyền thống...

Tiếp đó, du khách được giới thiệu và trải nghiệm các nghề thủ công truyền thống (nghề dệt zèng của đồng bào Tà Ôi - di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Mường, Thái..., nghề đan lát từ mây, tre...); Tìm hiểu quy trình chế tác nhạc cụ đàn tính (làng dân tộc Thái; làng dân tộc Tày), đàn chapi (làng dân tộc Raglai)… ; hay cùng hòa mình trong điệu xoang của người Ê Đê, Tà Ôi; cùng xòe với người Thái và thưởng thức “Không gian thưởng trà truyền thống ngày Xuân”.

Đặc biệt, những lễ hội mùa Xuân được chủ thể văn hoá tái hiện một cách sinh động tại không gian các làng dân tộc, hội tụ các loại hình văn hóa dân gian được bảo lưu, gìn giữ qua nhiều thế hệ đã trở thành di sản văn hóa vô giá của dân tộc. Hình thức tái hiện quá khứ thông qua các nghi thức tín ngưỡng, các trò diễn, diễn xướng dân gian và các trò chơi dân gian... đem đến nhiều trải nghiệm thú vị cũng như đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khám phá văn hóa của mọi đối tượng du khách.

 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp tham dự chương trình Sắc xuân trên mọi miền tổ quốc tại
Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp tham dự chương trình Sắc xuân trên mọi miền tổ quốc tại "Làng" năm 2017.

Các loại hình nghệ thuật truyền thống như biểu diễn tích chèo cổ, các làn điệu chèo; hát Văn; Múa rối cạn... của các nhà hát nghệ thuật Việt Nam được giới thiệu tại "Làng" là món ăn tinh thần vô cùng bổ ích và lý thú.

Cùng hội tụ trong chuyến du Xuân tại “Làng”, để được khám phá những giá trị văn hóa dân tộc để có thêm những trải nghiệm thật thú vị.

Nguyễn Minh Đức

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site