16:48 | 27/03/2018

Ngành chế biến xuất khẩu gỗ mở rộng, đi vào chiều sâu

(LV) - Theo đánh giá của Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores), năm 2018, ngành chế biến xuất khẩu gỗ của Việt Nam vẫn trên đà tăng trưởng, với tỉ trọng các mặt hàng có giá trị gia tăng đang ngày càng cao, các mặt hàng nguyên liệu thô đang giảm.

>>> Diễn biến mới về thị trường xuất khẩu gỗ Việt Nam 

Ngày 27/3/2018, tại Hà Nội, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phối hợp với Tổ chức Forest Trends, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, Hội Gỗ mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo "Bức tranh xuất nhập khẩu ngành gỗ năm 2017: Thực trạng và xu hướng hội nhập bền vững".

Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu lâm sản cả nước đạt 8 tỷ USD, trong đó: Gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 7,7 tỷ USD, còn lại là giá trị xuất khẩu các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ như: Mây tre, cói và thảm.

Các chuyên gia, nhà quản lý chia sẻ tại Hội thảo
Các chuyên gia, nhà quản lý chia sẻ tại Hội thảo.

Lý do của sự tăng trưởng

Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), có một số lý do dẫn đến sự tăng trưởng ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu, trong đó bao gồm tụt giảm tính cạnh tranh của ngành gỗ Trung Quốc do ngành này bị Hoa Kỳ kiện bán phá giá và do chính sách áp dụng thuế xuất khẩu đồ gỗ của Chính phủ Trung Quốc.

Suy thoái kinh tế năm 2008 - 2009 tại Châu Âu làm giảm sức sản xuất tại châu lục này, từ đó tạo cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam. Bên cạnh đó, thiếu hụt lao động và giá lao động cao tại Trung Quốc, Malaysia và Indonesia - các quốc gia cạnh canh về chế biến gỗ xuất khẩu với Việt Nam cũng tạo cơ hội cho ngành gỗ chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam phát triển, ông Hạnh nhận định.

Gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam hiện đang được xuất khẩu sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường lớn nhất là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và EU. Riêng thị trường Mỹ, kim ngạch xuất khẩu gỗ từ nền kinh tế số 1 thế giới đã cán mốc hơn 3 tỉ USD trong năm vừa qua.

Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) Nguyễn Tôn Quyền cho biết, dự kiến năm 2018 kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam đạt khoảng 9 tỉ USD, để vươn tới con số 10 tỉ USD trong những năm tiếp theo.

Theo ông Quyền, công suất thiết kế của các nhà máy chế biến gỗ hiện này có thể đáp ứng được mục tiêu xuất khẩu, nhưng vấn đề khó nhất đối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ đó là nguồn gỗ nguyên liệu.

Cạnh tranh thể hiện ở cả nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu và nguồn cung từ thị trường trong nước. Theo tính toán của Viforest, năm 2016 xuất khẩu gỗ đạt 6,9 tỷ USD thì tiêu thụ 31 triệu m3 gỗ, năm 2017 với kim ngạch xuất khẩu đạt 8 tỷ USD thì nguyên liệu gỗ tiêu thụ tương đương khoảng 33 triệu. Đến năm 2020, muốn đạt con số 10 tỷ USD thì phải có 40 triệu m3 gỗ. Như vậy, trong nước, ít nhất phải cung cấp 33 triệu m3 , nhưng hiện nay, lượng gỗ trong nước mới đáp ứng khoảng 23 triệu m3, Tổng Thư ký Vifores phân tích.

Năm 2018, mục tiêu xuất khẩu lâm sản cả nước đặt ra 9 tỷ USD. Mục tiêu này được các doanh nghiệp nhận định tương đối khả thi. Thời gian tới, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ đối mặt với một số khó khăn do các thay đổi tại các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là 4 thị trường quan trọng nhất của Việt Nam gồm: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đặc biệt, tại thị trường Hoa Kỳ, chính sách thương mại hiện theo hướng giảm thâm hụt thương mại, bảo hộ mậu dịch, khuyến khích sản xuất trong nước. Chính sách này đã tác động trực tiếp đến Trung Quốc, quốc gia có mức thặng dư thương mại lớn nhất từ Hoa Kỳ. Thời gian gần đây đã diễn ra sự tăng trưởng trong đầu tư vào ngành gỗ của các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam.

Các sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam
Các sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam.

Mở rộng xuất khẩu cả lượng và chất

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng: Ngành chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam vẫn trên đà tăng trưởng; tăng trưởng thể hiện cả trên khía cạnh mở rộng xuất khẩu và đi vào chiều sâu với tỷ trọng các mặt hàng có giá trị gia tăng ngày càng cao, các mặt hàng nguyên liệu thô đang giảm. Mở rộng xuất khẩu về lượng và chất có vai trò quan trọng của nguồn cung gỗ nguyên liệu trong nước và nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu nguyên liệu từ các nguồn có độ rủi ro thấp như từ Hoa Kỳ, EU, Úc và các quốc gia Châu Mỹ Latinh.

Động lực phát triển của ngành chế biến gỗ xuất khẩu có liên quan mật thiết với nguồn cung gỗ trong nước và tiêu dùng nội địa. Ví dụ, gỗ keo và gỗ cao su nội địa ngày càng đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với xuất khẩu. Tiêu thụ nội địa các loại gỗ quý có nguồn gốc từ nhập khẩu có tác động trực tiếp đến hình ảnh của ngành chế biến gỗ xuất khẩu. Điều này có nghĩa rằng để ngành chế biến gỗ xuất khẩu phát triển một cách bền vững trong tương lai cần phải có những chiến lược cấp quốc gia và cấp doanh nghiệp, trong việc cân đối cung – cầu nguyên liệu từ nguồn nhập khẩu, khai thác trong nước và xuất khẩu, cân đối giữa thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu, cân đối giữa các mảng sản xuất khác nhau của ngành.

Để làm được điều này, các cơ quan quản lý và các hiệp hội gỗ, đại diện cho các thành phần khác nhau của ngành như làng nghề, hội dăm, hội chủ rừng nên thống nhất và đưa ra các ưu tiên trong chiến lược phát triển. Chiến lược này cũng cần tính đến các yếu tố thay đổi của thị trường cung nguyên liệu, thị trường tiêu thị sản phẩm. Một chiến lược với sự đồng thuận cao của các bên liên quan, dựa trên các ưu tiên được thống nhất, có tính toán đến các thay đổi trong ngắn, trung và dài hạn của thị trường là nền tảng để ngành có thể phát triển bền vững trong tương lai.

Minh Quế

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site