10:43 | 19/08/2019

50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh về trồng cây bảo vệ môi trường

(LV) - Suốt quá trình viết Di chúc bắt đầu từ ngày 10/5/1965 đến khi Di chúc được công bố tháng 9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần chỉnh sửa bổ sung để hoàn thiện, trong nhiều những nội dung quan trọng căn dặn lại cho toàn Đảng, toàn dân ta thì Người có đề cập đến vấn đề trồng cây bảo vệ môi trường sinh thái và lợi ích của con người.

Người cho rằng: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp...”.

Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây nay là Hà Nội ngày 16/2/1969
Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây nay là Hà Nội ngày 16/2/1969.

Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người quan niệm trồng cây không chỉ là công việc nông lâm đơn thuần, mà lấy việc trồng, bảo vệ cây xanh là đòn bẩy cho hoạt động bảo vệ môi trường và còn có ý nghĩa quan trọng là giáo dục đạo đức lao động, đặc biệt là nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc bảo vệ môi trường sinh thái và hướng tới lợi ích kinh tế của con người. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu tại căn cứ địa Việt Bắc, trên những chặng đường kháng chiến gian khổ, nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh thường giản dị với tranh, tre, lá, nứa, cây rừng... và có thêm một mảnh đất để tăng gia trồng rau. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc chiến, Người vẫn chủ trương bảo vệ rừng và dựa vào địa hình thiên nhiên để xây dựng căn cứ bí mật, phục vụ cho công cuộc trường kỳ kháng chiến. Ông Hoàng Hữu Kháng, người bảo vệ Bác từ 1941 - 1951 kể, những năm ở chiến khu, khi tìm chỗ làm nhà cho Bác. Bác luôn căn dặn cán bộ phải chọn những nơi ở đảm bảo các tiêu chí: "trên có núi, dưới có sông, có đất ta trồng, có bãi ta vui”. Đến địa điểm mới, Người cùng cán bộ bắt tay ngay vào việc cuốc đất trồng cây vừa để cải thiện đời sống, vừa để hòa nhập vào thiên nhiên.

Sau ngày kháng chiến thành công, trở về Hà Nội làm việc trong Khu Phủ Chủ tịch, Bác sống và làm việc trong một ngôi nhà sàn giản dị nằm giữa vườn cây xanh, bên bờ ao trong mát, Người đã trồng rau, trồng hoa, cây ăn quả, nuôi cá. Ông Đinh Đăng Định, người chụp ảnh cho Bác kể: những năm ở gần Bác, ông thấy Bác thương cả cây cỏ, chim muông. Bác cấm anh em tuyệt đối không ai được bắn chim. Bác bảo: “Để chúng hót cho vui! Chim cu hót hay lắm". Nhà thơ Cu-ba Félix Pita Rodríguez, sau khi đến thăm nhà sàn Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch đã nhận xét: "Chúng tôi được biết có hai điều Bác Hồ yêu thích, đó là hoa và tiếng chim ca. Hoa và chim luôn luôn ở bên Người. Ngôi nhà nhỏ của Bác nhìn ra phía nào cũng có một ô cửa sổ, một bức tranh bằng ánh sáng, trong đó hiện ra những cành cây, và khi gió nhẹ thổi qua, bức tranh như có sức sống"..

Bên cạnh đó mỗi lần đi thăm các địa phương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều lưu ý đến vấn đề trồng cây không chỉ để bảo vệ môi trường sinh thái mà đó cũng là việc làm để nâng cao đời sống cho bà con.

Từ năm 1959 đến đầu năm 1969, Bác Hồ đã có nhiều bài viết kêu gọi trồng cây. Trong mỗi bài, Bác đều đưa ra những dẫn chứng, lợi ích của việc trồng cây: vừa có tính kinh tế, an ninh, quốc phòng, vừa mang tầm chiến lược lâu dài. Trong bài: "Tết trồng cây", đăng trên Báo Nhân dân ngày 28/11/1959, Người nêu rõ: "Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều... Nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta...”. Ngày 9/5/1961, nói chuyện với nhân dân đảo Cô Tô, Hải Ninh (nay là Quảng Ninh). Người nhấn mạnh: “Cần trồng nhiều cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây ngăn gió. Trồng cây sẽ đưa lại cho nhân dân ta một nguồn lợi to, lại làm cho xứ sở ta thêm đẹp”. Ngày 1/1/1965, trong bài Hãy nhiệt liệt tổ chức tết trồng cây đăng trên báo Hà Đông, Người chỉ rõ: “muốn xây dựng nông thôn mới… là xây dựng lại nhà ở cho đàng hoàng. Muốn vậy thì ngay từ bây giờ phải trồng cây nhiều tốt để lấy gỗ và để chống gió cát, bảo vệ ruộng, chống sói mòn...”.

Thanh niên ngày nay tiếp nối truyền thống trồng cây của Bác Hồ
Thanh niên ngày nay tiếp nối truyền thống trồng cây của Bác Hồ.

Không chỉ kêu gọi mọi người tích cực trồng cây, gây rừng, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn yêu cầu phải có ý thức trách nhiệm bảo vệ cây để bảo vê môi trường. Quanh bờ dậu trước nhà sàn Người thường cho các đồng chí phục vụ trồng cây dâm bụt. Bác thích loại cây đó, vì nó gần gũi, thường gặp ở vùng quê. Một lần, ông Đinh Đăng Định chụp ảnh cho Bác, nhưng có một cành cây nhỏ làm vướng máy, ông vít cành định bẻ đôi thì Bác ngăn lại và nói: “Ấy chú đừng bẻ! tuy nó không cho quả ăn, những cũng cho bóng mát”. Một lần khác thấy các đồng chí cảnh vệ chặt cây để làm hầm, Bác bảo: “Cây rừng là của ta, ta phải giữ gìn để bảo vệ môi trường”. Lần khác Bác cùng anh em đi công tác ở Sơn Tây, khi ngồi nghỉ, chợt có đồng chí vứt mẩu tàn thuốc lá ra sườn đồi, Bác quay lại nhắc ngay: “kìa, dập đi chú, tàn lửa có thể làm cho cả đồi cỏ bị cháy đấy! Nếu ta không biết giữ thì một đốm lửa có thể làm cháy cả một khu rừng"...

Người xót xa trước cảnh rừng bị tàn phá, khai thác bừa bãi và cho rằng, “những cây gỗ to bị chặt để đốt hay để cho mục nát thì không khác gì đồng bào tự mình đem tiền bạc bỏ xuống sông”. Người cảnh báo nhân dân ta về sự nguy hại của việc chặt, phá khai thác rừng bừa bãi, dẫn đến sự phá vỡ cân bằng môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến khí hậu, đời sống sản xuất.

Hưởng ứng lời kêu gọi trồng cây, bảo vệ cây, góp phần bảo vệ môi trường của Bác Hồ, các tầng lớp nhân dân đã tham gia tích cực và tạo thành một phong trào sâu rộng. Sau 5 năm (1960-1965), toàn miền Bắc đã trồng được hơn 575 triệu cây các loại, trong đó có hơn 200 triệu cây trồng ven biển để bảo vệ đê. Đồng thời, xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể điển hình về phong trào trồng cây như: hợp tác xã Lạc Trung, Ngọc Long, Vĩnh Quang; các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An... phong trào dần dần lan toả rộng khắp và mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực cho cuộc sống của con người...

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ kêu gọi toàn dân tham gia phong trào trồng cây gây rừng qua các bài nói, viết, mà còn bằng những hành động, việc làm cụ thể của Người. Cứ mỗi độ tết đến, xuân về, Người lại tham gia trồng cây trở thành phong trào "Tết trồng cây". “Tết trồng cây” trở thành phong tục đẹp, là bài học lớn của Bác để lại cho thế hệ sau về cách sống gần gũi với thiên nhiên, bảo vệ tài nguyên môi trường, về phát triển bền vững, công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước nhưng phải luôn giữ được màu xanh cây cỏ, đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân. Mỗi hành động việc làm của Người luôn hướng tới mục đích cao đẹp tất cả vì lợi ích lâu dài của con người.

Th.s Nguyễn Văn Dương - Th.s Lường Thị Lan

(Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch)

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site