05:38 | 25/08/2014

Những câu chuyện về lá cờ đỏ sao vàng

(LV) - Lá cờ đỏ sao vàng trong nhiều thập kỷ qua luôn gắn liền với những sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Dù đi đến bất cứ nơi đâu, sự hiện hữu của lá cờ đỏ sao vàng luôn nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam thêm yêu, tự hào về quê hương, đất nước.

>>> Tổ chức Tuần "Đại đoàn kết ASEAN - Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng" 

Lá cờ đỏ sao vàng luôn hiện hữu

Đêm 22 rạng 23/11/1940, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ mãnh liệt. Ở tỉnh Mỹ Tho, cuộc khởi nghĩa nổ ra quyết liệt nhất là tại xã Long Hưng (nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Từ trong cao trào khởi nghĩa, chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho được thành lập và lần đầu tiên, lá cờ đỏ sao vàng đã xuất hiện ở tại đây. Tác giả của lá cờ là Nguyễn Hữu Tiến, nguyên là thầy giáo tại xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam ngày nay.

Viết về sự kiện này, quyển “Mỹ Tho - Gò Công trong cuộc khởi nghĩa Nam Kì (1940)” do Ban Tuyên giáo Tiền Giang xuất bản năm 2001 có viết: “Ngay trong ngày 23/11/1940, chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho được thành lập và tổ chức cuộc mít tinh có hơn 3.000 người tham dự tại đình Long Hưng để ra mắt nhân dân. Lần đầu tiên, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh xuất hiện trên ngọn cây bàng, trước đình Long Hưng”. Từ Long Hưng - Mỹ Tho, lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay khắp Nam kỳ trong những ngày cuối tháng 11/1940 lịch sử. Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ bị thực dân Pháp đàn áp, khủng bố dã man nhưng lá cờ đỏ sao vàng luôn hiện hữu trong trái tim nhiệt tình cách mạng của mỗi người, động viên nhân dân ta vững bước trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc.

Cột cờ Hiền Lương
Cột cờ Hiền Lương.

Tháng 5/1941, tại Pác Bó (Cao Bằng), Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 được triệu tập dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng của Đảng, tiếp tục nêu cao vấn đề giải phóng dân tộc lên hàng đầu và quyết định thành lập tổ chức Việt Nam Độc lập Đồng minh (Mặt trận Việt Minh). Cả Nghị quyết Trung ương 8 và Chương trình hành động của Việt Minh đều ghi là, sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp - Nhật sẽ lập nên Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, lấy cờ đỏ sao vàng làm cờ toàn quốc. Lá cờ đỏ sao vàng treo tại buổi lễ thành lập Việt Minh hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam .

Ngày 16/8/1945 tại Tân Trào (Tuyên Quang), Đại hội Quốc dân được triệu tập. Đại hội đã tán thành quyết định tổng khởi nghĩa của Đảng, lập ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, quy định Quốc ca là bài “Tiến quân ca” và Quốc kỳ là cờ đỏ sao vàng. Liền sau đó, Hồ Chủ tịch đã gửi thư đến đồng bào cả nước, kêu gọi nhân dân nổi dậy tổng khởi nghĩa, giành chính quyền; trong đó có đoạn: “Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”. Ngày 17/8/1945, một lá cờ đỏ sao vàng có diện tích đến 48m2 đã được xuất hiện trước tiền sảnh Nhà hát Lớn Hà Nội, tạo nên sự phấn khích to lớn của quần chúng Thủ đô. Ông Trần Lâm - một trong hai người trực tiếp treo lá cờ đó, kể lại: “Cuộc mít tinh bắt đầu, khi lá cờ của chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim được kéo lên thì tôi và anh Nam cũng mở lá cờ đỏ sao vàng từ trên tầng hai buông xuống. Lá cờ to rộng, sáng chói, nổi bật trên cao. Sự kiện này làm đảo lộn tình thế. Tất cả những người dự cuộc mít tinh đều sững sờ. Trong tay họ đang cầm những lá cờ nhỏ tự nhiên giơ lên vẫy vẫy và hò hét như sấm”.

Cuộc khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, kể từ ngày 2/9/1945 lá cờ đỏ sao vàng tung bay từ Bắc đến Nam, từ miền xuôi đến miền ngược, hải đảo xa xôi. Lá cờ đỏ sao vàng reo vui trong những ngày chiến thắng Điện Biên, ngày giải phóng Thủ đô, ngày thống nhất đất nước…

Câu chuyện về giữ vững lá cờ

Thật cảm động khi chúng ta nghe lại những câu chuyện của những chiến sĩ ở giới tuyến 17 giữ lá cờ Tổ quốc. Lá cờ Tổ quốc lúc đầu được dựng lên trên một cây phi lao cao 12m ở bờ bắc sông Bến Hải, đầu cầu Hiền Lương, phía bờ Nam quân ngụy cắm cờ trên nóc lô cốt Xuân Hòa cao 15m. Theo yêu cầu của đồng bào miền Nam, cờ đỏ của Tổ quốc ta phải cao hơn cờ ngụy. Các đồng chí biên phòng phải lặn lội vào rừng sâu mang về một cây gỗ cao 18m. Niềm vui không được bao lâu, chính quyền Ngô Đình Diệm chở sắt thép từ Sài Gòn ra dựng một trụ cờ cao 25m. Đồng bào miền Nam lại nhắn sang bờ Bắc phải xây trụ cờ cao hơn chúng. Để thực hiện ý nguyện của đồng bào ngày 19/7/1957, quân và dân Vĩnh Linh lại dựng trụ cờ bằng sắt cao 34,5m sơn màu trắng. Lúc này cờ đỏ sao vàng bay cao hơn cờ ngụy, ít lâu sau trụ cờ của ngụy nâng cao hơn 35m.

Năm 1962, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa cho chở vật liệu từ Hà Nội vào xây trụ cờ mới cao 38,6m. Lá cờ rộng 120m2, nặng 15kg phấp phới tung bay giữ vững niềm tin của đồng bào, chiến sĩ. Các chiến sĩ đồn Hiền Lương phải rất vất vả để giữ lá cờ khỏi rách trước sự bắn phá của máy bay và pháo kích từ Cồn Tiên, Dốc Miếu, từ hạm đội 7 ném bom, bắn phá cột cờ. Không có đêm nào các chiến sĩ biên phòng cùng các bà má miền Bắc không ngồi lại khâu vá lá cờ để sáng hôm sau lại kéo lên trên bầu trời của Tổ quốc.

Quốc kỳ của Việt Nam được tô thắm bằng xương máu của biết bao chiến sĩ, đồng bào. Lá cờ đỏ sao vàng là niềm tự hào của dân tộc, phát huy truyền thống đấu tranh vô cùng anh dũng của giống nòi Lạc Việt đánh đổ chế độ thực dân phát xít, giành lại độc lập tự do. Lá cờ đỏ sao vàng năm cánh ngày nay trở nên quen thuộc với bạn bè khắp năm châu và được thế giới tin yêu.

Nguyễn Văn Thanh

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site