06:31 | 20/11/2014

Học tập tư tưởng đoàn kết tôn giáo của Hồ Chí Minh

(LV) - Trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, các tôn giáo đã kề vai sát cánh cùng với các dân tộc, các đảng phái, các tầng lớp nhân dân Việt Nam đoàn kết dưới ngọn cờ đại nghĩa Hồ Chí Minh. Với tấm lòng nhân ái, bao dung và sức cảm hoá của Người, tất cả mọi người dân Việt Nam đều cảm thấy không có sự khác biệt, người có đạo cũng như người không có đạo.

Trân trọng các giáo lý của các tôn giáo

Trước khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã học Nho giáo, tiếp cận Phật giáo, Lão giáo, Thiên chúa giáo, làm quen với tư tưởng của các nhà khai sáng và cách mạng tư sản châu Âu. Sau khi bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin, Người còn tìm hiểu chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn, thuyết bất hợp tác, bất bạo động của Gandhi - hai nhà tư tưởng lớn của hai quốc gia lớn nhất châu Á.

Trong quá trình nghiên cứu các học thuyết, các tư tưởng, Hồ Chí Minh đã so sánh, lựa chọn, phân biệt đúng sai, tiến bộ hay lạc hậu, phù hợp hay không phù hợp với Việt Nam. Người cũng thấy rõ học thuyết của đức Phật, của Giêsu hay của Khổng Tử đều không phải là học thuyết cách mạng. Những học thuyết ấy rất giàu tính nhân ái, nhưng chỉ khuyên con người cam chịu hoặc chỉ muốn xã hội ổn định trong trật tự đương thời (nô lệ, phong kiến), có khi còn thể hiện sự bênh vực những kẻ bóc lột mà chống lại những người bị bóc lột... Tuy nhiên, Hồ Chí Minh vẫn đánh giá cao đức từ bi của Phật, lòng bác ái của Chúa, đạo đức, học vấn và kiến thức uyên bác của Khổng Tử. Người đã coi họ là “những vị trí tôn, rất đáng kính phục”.

Nhận thức sâu sắc, cái nhìn rộng lượng và sự tôn trọng niềm tin của các tôn giáo đã làm cho hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong trái tim của các dân tộc, các tôn giáo trên thế giới. Năm 1990, tại Hội nghị khoa học quốc tế Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hàng nghìn chính khách, các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế, một nhà sử học người Mỹ đã nói: “Chúng tôi đến đây có người theo đạo Hồi, có người theo đạo Phật, có người theo đạo Thiên chúa. Trước đây chúng tôi không hiểu nhau, nhưng qua hai ngày hội thảo, chúng tôi có thể ngồi lại nói chuyện với nhau vui vẻ vì chúng tôi có cái chung là tư tưởng Hồ Chí Minh mong muốn nhân loại được tự do”. Vì thế chúng ta có thể tin tưởng rằng tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo sẽ có sức cổ vũ lớn trên con đường nhân loại đi tới một thế giới đại đồng.

Ở Việt Nam gần một thế kỷ qua, dưới ngọn cờ Hồ Chí Minh, các tôn giáo đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước, đã đoàn kết hơn bao giờ hết và đã đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Hiểu rõ tình cảm thiêng liêng của người Việt Nam, Lương cũng như Giáo đối với Tổ quốc, nòi giống, Hồ Chí Minh đã biến tình cảm ấy thành hành động của hàng triệu tín đồ trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và kháng chiến cứu nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Hội nghị công giáo toàn quốc. 09/3/1955      Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Hội nghị công giáo toàn quốc. 09/3/1955 Ảnh: Tư liệu.

Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân

Đối với Hồ Chí Minh, đoàn kết là đạo đức, là tiêu chuẩn quan trọng của người cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đối với người lãnh đạo. Để đoàn kết, tập hợp được đồng bào các tôn giáo thì tiêu chuẩn đạo đức này đòi hỏi phải cao hơn, phải thấu hiểu sâu sắc tâm tư, nguyện vọng của đồng bào có đạo. Bác Hồ của chúng ta đã quy tụ được đồng bào các tôn giáo bằng sự chân thành, bằng sự tôn trọng thật sự đức tin của các tôn giáo. Uy tín của Người đối với những người có đạo không gắn liền với chức vụ Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng, không phải thông qua việc nghiên cứu tư tưởng, lý luận mà là thông qua cảm nhận trực tiếp từ con người, đức độ, phong cách của một người thân, của người Bác kính yêu. Những cuộc gặp gỡ, những bức thư đầy tình cảm chân thành của Người đã cổ vũ, làm giàu thêm nhiệt tình cách mạng, khơi dậy trong mỗi con người khả năng tiềm tàng và hướng họ vươn lên cống hiến cho dân, cho nước.

Theo Hồ Chí Minh, chỉ có sự tôn trọng tự do tín ngưỡng và nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của những người có đạo mới tiến đến đoàn kết thật sự. Tôn trọng tự do tín ngưỡng chính là tôn trọng tự do tư tưởng và sự đòi hỏi được thoả mãn nhu cầu về đời sống tâm linh, tôn trọng ước vọng của tín đồ được biểu hiện dưới hình thức tín ngưỡng tôn giáo.

Trên lĩnh vực đoàn kết tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thể hiện rõ quan điểm quyền tự do tôn giáo với quyền và nghĩa vụ của người công dân của các tín đồ tôn giáo. Người cho rằng: Kính Chúa yêu nước là nghĩa vụ không thể phân chia ở một tín đồ. Người giáo sỹ, giáo dân tốt phải là người công dân tốt, hết lòng phục vụ Tổ quốc thì mới xứng đáng và làm sáng danh tôn giáo của mình. Người rất nghiêm khắc và kịp thời đề ra các biện pháp sửa chữa những sai phạm của một số cán bộ chính quyền các cấp trong việc thực hiện chính sách tôn giáo như tư tưởng định kiến, phân biệt đối sử vì lý do tôn giáo. Đồng thời Người cũng không khoan nhượng đối với những tín đồ, những cộng đồng tín đồ, những tổ chức lợi dụng tôn giáo để chống lại lợi ích quốc gia, dân tộc. Người luôn mong muốn Giáo hội Việt Nam ngày càng tiến bộ, có tinh thần dân tộc, yêu nước, yêu hoà bình và đoàn kết dân tộc hơn, để chống lại hoạt động phản động lợi dụng tôn giáo, làm thất bại mọi hoạt động của bọn tay sai cho các thế lực bên ngoài.

Sự đóng góp to lớn của đồng bào các tôn giáo Việt Nam trong suốt gần một thế kỷ qua không chỉ là kết quả của chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, mà còn là kết quả sức lôi cuốn kỳ diệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng của Người về đoàn kết tôn giáo mãi mãi là tài sản vô giá trong giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên và cho sự nghiệp xây dựng tình đoàn kết Lương - Giáo ở Việt Nam.

TS. Nguyễn Thị Tình

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site